Tiếng Việt | English

28/06/2016 - 09:02

Cảnh giác với dịch bệnh mùa mưa

Thời tiết miền Nam đã chuyển sang mùa mưa, đây cũng là thời điểm các mầm bệnh phát sinh, điển hình là các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và tim mạch. Người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ em cần lưu ý để phòng tránh dịch bệnh trong thời điểm này.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Long An, từ đầu năm đến trung tuần tháng 6/2016, số ca mắc sốt phát ban/nghi sởi là 12 ca, giảm 72,7% so với cùng kỳ (năm 2015 là 44 ca). Với bệnh tay-chân-miệng, toàn tỉnh ghi nhận 583 ca mắc, giảm 31,5% so với cùng kỳ (năm 2015 là 851 ca). Bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue toàn tỉnh là 1.152 ca, tăng 88% so với cùng kỳ (năm 2015 là 611 ca), tăng 40% so với số ca mắc trung bình 5 năm 2011-2015 (822 ca), chủ yếu tập trung ở các huyện có nhiều khu công nghiệp, dân cư đông như Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức.

Tiêm ngừa vắc-xin để chủ động phòng bệnh

Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Long An - Bác sĩ Lê Tấn Hiền, dịch bệnh trong thời điểm giao mùa thường là bệnh do vi-rút bao gồm SXH, thủy đậu, tiêu chảy,... Với SXH thì vệ sinh môi trường, phòng, chống muỗi đốt, diệt lăng quăng,... là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất. Đối với những bệnh khác thì rửa tay là biện pháp chủ yếu, riêng với thủy đậu, quai bị, tiêu chảy do vi-rút thì nên tiêm ngừa để phòng bệnh.

Do thời tiết chuyển mùa, độ khô và độ ẩm môi trường có sự chênh lệch làm ảnh hưởng đến những người có bệnh lý ở phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở trẻ nhỏ, người già. Những người bị hen suyễn hay phổi tắc nghẽn mãn tính thì uống thuốc theo đúng phác đồ mà bác sĩ đã cho.

Với bệnh lý về tim mạch, khi nắng nóng, lúc mưa lạnh, những người có tiền sử tăng huyết áp, có bệnh lý tim mạch dễ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não nên phải uống thuốc đúng theo lời khuyên của bác sĩ. Khi cơ thể có những thay đổi bất thường, phải đi khám bệnh, không được tự ý mua thuốc uống.

Về lối sống, với bệnh hô hấp và tim mạch, đặc biệt là bệnh tim mạch thì khi thời tiết nắng nóng hoặc đang ở môi trường lạnh, trước khi bước ra từ nơi có máy điều hòa thì phải ở nơi có môi trường thoáng, nghỉ một thời gian ít nhất 15 phút rồi mới bước ra trời nắng. Bởi vì, ở nơi có máy điều hòa thì nhiệt độ thấp, ra nơi trời nắng thì giãn mạch, ở nơi có máy lạnh thì co mạch dễ bị tai biến mạch máu não do thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc huyết áp không ổn định. Với những người chơi thể thao ngoài trời cũng dễ bị tai biến.

Ngoài ra, say nắng, say nóng cũng là những hiện tượng thường gặp trong giai đoạn này. Say nắng là đứng ở ngoài trời, tia nắng chiếu trực tiếp vào vùng đầu, mặt, cổ bệnh nhân, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 1, 2 giờ trưa. Còn say nóng do môi trường nhiệt độ ở nơi mình đang ở cao hơn nhiệt độ cơ thể quá lâu gây hiện tượng say nóng. Cơ thể cần phải bổ sung nước tối thiểu đủ 2 lít/ngày, chưa kể các nguồn nước từ rau quả, thực phẩm; khi cần ra ngoài trời, phải che chắn cẩn thận, có biện pháp phòng hộ, tránh ánh nắng mặt trời để tránh say nắng.

Đối với trẻ nhỏ, thời điểm này dễ mắc bệnh ngoài da như chốc lở, rôm sảy. Phụ huynh cần chú ý khám bệnh, uống thuốc đúng theo toa bác sĩ, không được tự ý thoa thuốc, tắm nước lá cây theo kinh nghiệm dân gian. Bên cạnh đó, bệnh ngoài da thường gặp trong mùa mưa là viêm da do côn trùng, đặc biệt là kiến khoang. Buổi tối, khi đốt đèn trong nhà cao tầng, kiến sẽ vào, lúc đó không được giết mà chỉ phủi vì chất photpho trong kiến khoang có thể gây loét da, viêm da.

Đặc biệt, do thời tiết, nhiệt độ thay đổi đột ngột, thức ăn dễ bị ôi thiu, nhất là khi không được bảo quản tốt, không có tủ lạnh. Để bảo đảm sức khỏe, người dân cần lưu ý phải ăn chín, uống sôi. Thức ăn nấu xong phải dùng liền, che đậy cẩn thận để tránh ruồi và các con vật trung gian truyền bệnh./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích