Tiếng Việt | English

18/05/2016 - 09:41

Long An: Chủ động phòng, chống bệnh giai đoạn chuyển mùa

Để đề phòng các bệnh thường gặp trong giai đoạn chuyển mùa, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế - Lê Thanh Liêm về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện tại cùng những phương pháp phòng tránh, bảo đảm sức khỏe nhân dân.

PV: Trong thời điểm này, những dịch bệnh nào thường phát sinh trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Giám đốc Sở Y tế - Lê Thanh Liêm: Trong mùa nắng nóng, những bệnh đường tiêu hóa thường xảy ra như tiêu chảy, kiết lỵ, ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, cúm do bụi bặm, thời tiết oi nồng, tắm nhiều. Riêng trẻ nhỏ cũng dễ bị các bệnh ngoài da như rôm sảy.

Những bệnh đường tiêu hóa thường xảy ra như tiêu chảy, kiết lỵ, ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa

PV: Theo ông, người dân cần đặc biệt lưu ý đề phòng những bệnh nào?

Giám đốc Sở Y tế - Lê Thanh Liêm: Năm nay, dù hiện tượng El Nino kéo dài nhưng các bệnh đường hô hấp chưa có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, với người già, những người mắc bệnh mãn tính, khi tiếp xúc với thời tiết nóng bức, điều kiện không bảo đảm về nhiệt độ có thể gây ra các bệnh lý khác như tai biến mạch máu não, cao huyết áp hay các bệnh về tim mạch.

Trong những năm gần đây, sốt xuất huyết (SXH) vẫn không giảm dù ngành Y tế vẫn thường xuyên tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng. Chính vì mùa nóng, người dân hay trữ nước, chứa nước, nhất là tại các khu vực nhà trọ thường xuyên thiếu nước, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm,... trở thành nơi trú ẩn để muỗi phát triển.

Chính vì vậy, nếu như trước đây, trung bình 4 năm, SXH diễn ra 1 lần và chỉ xuất hiện vào mùa mưa nhưng giờ đây hàng năm, mùa khô vẫn có SXH. Nếu trước đây, SXH chỉ tập trung tại các thành phố lớn, khu vực đông dân cư và độ tuổi chủ yếu ở đối tượng từ 7-15 tuổi thì bây giờ, SXH chuyển dần về nông thôn, người lớn cũng dễ mắc SXH.

Người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, không cho muỗi đẻ trứng

PV: Trước tình hình đó, ngành Y tế có những giải pháp gì để phòng, chống bệnh phát sinh trong mùa nắng nóng/thời tiết chuyển mùa, thưa ông?

Giám đốc Sở Y tế - Lê Thanh Liêm: Trong mùa nắng nóng, để đề phòng các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, trước hết cần vệ sinh cá nhân, tay chân, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Nước uống và thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong tháng 4, ngành Y tế tổ chức chiến dịch ra quân vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở ăn uống hoặc siêu thị trên toàn tỉnh.

Riêng trong năm nay, bệnh SXH tăng 2,1 lần so với cùng kỳ. Như vậy, khi mùa mưa đến, nguy cơ lây lan thành dịch lớn rất cao. Do đó, hiện tại diệt lăng quăng là giải pháp hàng đầu để phòng ngừa SXH và Zika.

PV: Ông có những khuyến cáo gì đến người dân nhằm phòng, chống bệnh trong mùa nóng?

Giám đốc Sở Y tế - Lê Thanh Liêm: Để chủ động phòng bệnh, các gia đình không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người nhằm phòng bệnh đường hô hấp.

Người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người thường xuyên lao động ngoài trời. Người dân nên ăn thức ăn, uống nước nấu chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để bảo đảm đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

Các gia đình, trường học, cơ sở giáo dục mầm non,... đồ chơi trẻ em cần được vệ sinh kỹ. Các giáo viên, phụ huynh cần kiểm tra, kiểm soát các cháu rửa tay để tránh các bệnh có thể xảy ra.

Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Các gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng.

Ngoài các bệnh như trên, thời tiết nóng còn dễ khiến gây ra cao huyết áp. Khi nhiệt độ tăng, kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ. Ngoài tác động trực tiếp lên cơ thể như say nắng, say nóng, mất nước, khi ra đường cần mang kính mát, mặc áo dài tay để hạn chế tác hại của tia cực tím ảnh hưởng đến da, mắt.

Việc tắm mát, ngâm nước lâu sẽ dễ bị các bệnh lý xâm nhập như bệnh đường hô hấp, viêm nhiễm tai-mũi-họng đối với trẻ em. Đặc biệt, những người già thường ăn uống ít, dễ mất nước nên phải được ở trong nhiệt độ phù hợp, nếu có máy lạnh thì nhiệt độ tốt nhất duy trì từ 25-27 độ C.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

- Với bệnh tay-chân-miệng: Tính đến tuần 19-2016 (từ đầu năm đến ngày 15-5-2016), toàn tỉnh ghi nhận 389 ca mắc, giảm 43,8% so với cùng kỳ (2015 là 692 ca), không ghi nhận ca tử vong.

- Tính từ đầu năm, số ca mắc SXH là 968 ca, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ (2015 là 457 ca), tăng 81% so với số ca mắc trung bình 5 năm (từ 2011-2015 là 534 ca).

- Với sốt phát ban nghi sởi: Từ đầu năm đến nay có 9 ca, giảm 77,5% so với cùng kỳ (năm 2015 là 40 ca), không ghi nhận ca tử vong.

- Từ đầu, số ca tiêu chảy trên toàn tỉnh là 1.933 ca; 8.840 ca cúm; 295 ca thủy đậu.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích