Tiếng Việt | English

16/09/2021 - 10:05

Cảnh giác với lừa đảo qua mạng xã hội, cho vay qua app

Vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn hoặc đang cần vốn để làm ăn nên không ít người vay tiền qua các ứng dụng di động (app), vay nặng lãi. Mặt khác, có những người vì nhẹ dạ cả tin, bị các đối tượng xấu sử dụng điện thoại, mạng xã hội (MXH) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,...

Bị đe dọa sau khi vay tiền qua app

Mới đây, chị T.T.H.Q. (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) có đơn trình báo đến Công an huyện Thủ Thừa về việc thường xuyên bị nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần. Theo chị Q., thời gian qua, chồng đang thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn, trong khi 2 đứa con còn nhỏ.

Tháng 7/2021, chị vô tình thấy trên mạng quảng cáo app vay tiền với cách thức nhanh chóng, giải ngân trong 5 phút mà không cần thẩm định người thân. Thấy nhanh, gọn lại đang cần tiền nên chị tải app về và đăng ký vay. Trên app yêu cầu cung cấp số điện thoại của người vay.

Trường hợp vay tiền qua app và liên tục nhận được tin nhắn với nội dung đòi nợ, hăm dọa

Theo chị Q., ngay sau đó, có một mã số được gửi về tin nhắn điện thoại, chị nhập mã số đó vào để xác minh trên app. Cứ vậy, chị đăng ký vay 2 app, mỗi app 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tài khoản của chị chỉ được mỗi app chuyển số tiền là 1,2 triệu đồng. 6 ngày sau, chị phải chuyển trả 2 triệu đồng cho mỗi app.

“Do chậm trả nên tôi bị một số người lạ liên tục gọi điện, nhắn tin khủng bố tinh thần, đe dọa nếu không trả đúng hạn sẽ thông tin cho người thân, đồng nghiệp cơ quan và đưa hình ảnh lên MXH. Thậm chí còn hăm dọa cha, mẹ và các con của tôi” - chị T.T.H.Q. trình bày.

Trong đơn trình bày, chị cho biết, đang lúc chưa biết cách giải quyết thế nào thì những app khác nhắn tin qua Zalo hướng dẫn vay để trả nợ. Do bị hăm dọa, dồn ép nên chị lại đăng ký vay thêm qua app. Và sau hơn 1 tháng, các đối tượng cho vay qua app thông báo với chị, tổng số tiền nợ, lãi và tiền phạt do chậm trả lên tới hơn 250 triệu đồng.

Sau đó, chị liên tục nhận những cuộc điện thoại, tin nhắn đòi nợ, hăm dọa, khủng bố tinh thần. Trong đơn, chị cho biết đã cầu cứu cha, mẹ ở quê vay vượn được 200 triệu đồng để trả nợ cho các đối tượng. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn liên tiếp nhắn tin hăm dọa, gọi điện đòi số tiền còn lại. Các đối tượng còn cho rằng, cứ trả nợ chậm thì lại cộng dồn thêm “phí phạt” 60.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Hiện thông tin trình báo của chị Q. đã được công an tiếp nhận để xác minh, điều tra, làm rõ. Những năm qua, lực lượng công an cũng nhận được nhiều phản ánh, tố cáo liên quan đến loại hình cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Theo đó, công an các cấp tăng cường kiểm tra, trấn áp các loại tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” và vào cuộc điều tra, phát hiện, xử lý nhiều đối tượng, băng nhóm vi phạm.

Thời gian qua, công tác phòng, chống, đấu tranh, triệt xóa hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động của loại hình này không còn công khai, lộ liễu như trước. Dù vậy, do có những người vì cuộc sống gia đình túng thiếu, nợ nần, thậm chí có người muốn có tiền đánh bạc vẫn tìm đến “tín dụng đen”, cầm cố tài sản, đất đai, nhà cửa để vay nặng lãi.

Hiện nay, trong thời điểm nhiều người đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nên dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi qua app.

Cẩn thận với chiêu lừa đảo qua mạng xã hội

Thời gian qua, lực lượng công an tiếp nhận nhiều thông tin về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, MXH. Cách đây vài tháng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Trụ nhận được đơn trình báo của anh L.T.D.P. (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) về việc bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 20 tấn gạo, trị giá 350 triệu đồng.

Qua điều tra ban đầu, anh P. mua bán lúa gạo và có đăng ký tài khoản trên MXH. Giữa tháng 3, có một người nhắn tin cho anh hỏi mua gạo qua Zalo. Sau khi thỏa thuận giá cả, người này đồng ý mua 20 tấn gạo và thuê 2 xe ôtô tải xuống nhà máy ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ để lấy hàng.

Cẩn trọng với những loại hình thông báo cho vay “a lô là có tiền”

Khi giao hàng gần xong, người này nhắn tin hỏi số tài khoản ngân hàng của anh P. Một lúc sau, người này chụp hình tờ biên lai nộp tiền, gửi cho anh P. qua Zalo. Do thấy đúng số tài khoản, tên người nhận nên anh P. tin tưởng giao hết số gạo và cho xe chở đi.

Sau khi xe chở hàng rời đi, anh P. vẫn không thấy ngân hàng báo tin nhắn chuyển tiền vào tài khoản nên kiểm tra. Phía ngân hàng xác định không có giao dịch chuyển tiền như biên lai nộp tiền nói trên. Nghi mình bị lừa, anh P. gọi điện thoại cho người lạ kia thì không liên lạc được.

Còn tại huyện Châu Thành, Thượng tá Mai Thành Lục - Trưởng Công an huyện, cho biết, cuối tháng 8/2021, đơn vị tiếp nhận tin báo của chị Đ. (xã Phú Ngãi Trị) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua MXH.

Chị Đ. trình báo, có người lạ gọi vào số điện thoại di động tự xưng là nhân viên của một công ty tài chính, đang có chương trình cho vay lãi suất thấp,...

Trong lúc đang cần tiền, chị Đ. đồng ý làm theo hướng dẫn để vay 400 triệu đồng. Người này hướng dẫn chị Đ. kết nối với một nhân viên khác qua Zalo. Sau đó, tiếp tục hướng dẫn chị Đ. tải phần mềm ứng dụng “24 Money” trên điện thoại di động và nhập thông tin cá nhân vào. Khi nhập thông tin xong thì Zalo của chị Đ. tự động kết nối với một người khác.

Tuy nhiên, người này yêu cầu chị Đ. chuyển 40 triệu đồng tiền đặt cọc vào tài khoản người hỗ trợ chỉ định để chứng minh khả năng trả nợ. Chị Đ. đã chuyển khoản 40 triệu đồng qua ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại di động vào tài khoản đối tượng.

Sau khi chuyển tiền, chị Đ. nhận được thông báo đã có 440 triệu đồng nhưng bị đóng băng do chị nhập thẻ sai, không giải ngân được. Người này tiếp tục yêu cầu chị chuyển tiếp 200 triệu đồng thì mới giải ngân được.

Chị Đ. tiếp tục chuyển thêm 200 triệu đồng vào tài khoản mà người này hướng dẫn. Sau khi chuyển tiền, chị Đ. được thông báo, tài khoản của chị hiện tăng lên 640 triệu đồng nhưng số tiền này tiếp tục bị đóng băng do chị chuyển tiền mà không ghi rõ nội dung.

Theo đó, chị Đ. được yêu cầu chuyển tiếp 200 triệu đồng để giải ngân. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị Đ. trình báo công an.

“Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành tiếp nhận tin báo và đang xác minh, điều tra, làm rõ nên chưa khẳng định được vụ việc này như thế nào” - Thượng tá Mai Thành Lục cho biết.

Thông tin từ Công an tỉnh, những trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua MXH, điện thoại không phải mới mà đã có những năm gần đây. Thậm chí, có những vụ việc, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát. Để tránh bị lừa, người dân không nên nhẹ dạ cả tin mà phải tỉnh táo, nêu cao ý thức cảnh giác.

Mọi giao dịch cần bảo đảm chắc chắn nhận được tiền và nhận hàng để tránh bị lừa đảo. Đặc biệt, khi nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn, hướng dẫn qua MXH, hướng dẫn giao dịch, chuyển tiền, nhận trúng thưởng thì không nên vội vàng thực hiện theo mà phải cẩn trọng, xác minh kỹ càng. Khi phát hiện nghi vấn, cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích