Nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn. Ngoài chuyện sóng to gió lớn, ngư dân phải đối mặt với những hiểm nguy bất ngờ...
Ông Trần Niềm, một ngư dân xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận có kinh nghiệm hơn 30 năm đánh bắt trên biển. Trong chuyến ra khơi đầu tháng 2/2017 ghe của ông bị 4 tàu cá không rõ lai lịch đâm trúng. Mặc dù cố cho ghe chạy về hướng đất liền nhưng chỉ được 20 phút ghe chìm. Rất may mắn cả ghe và người được sự ứng cứu kịp thời của Vùng Cảnh sát biển 3.
Trao cờ và ảnh Bác Hồ
Sau lần tai nạn, vợ và 3 người con khuyên ông chuyển đổi nghề khác, nhưng với ông Niềm biển là cuộc sống của ngư dân và chỉ hơn 1 tháng sửa chữa tàu ông lại tiếp tục ra khơi.
Không may mắn như ông Trần Niềm, tàu cá trị giá hơn 11 tỷ đồng vừa được đóng mới của anh Trương Minh Trạng, thôn Thương Châu, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý đã nằm lại nơi khơi xa ngay trong chuyến đi biển đầu tiên.
25 năm gắn bó với nghề đi biển, giữ được mạng sống để về bên vợ con đối với ông đã là một hạnh phúc. Đứng trên âu thuyền nhìn những con tàu rời bến, anh Trạng chỉ mong muốn sớm được tiếp tục công việc vì nhớ biển nhớ nghề. Với sự động viên giúp đỡ của Cảnh sát biển, gia đình anh Trạng đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng mới ghe tàu để ra khơi.
Anh Trương Minh Trạng nói: “Bây giờ tui khắc phục ghe thuyền lại tiếp tục vẫn ra khơi đánh bắt thôi. Cuộc sống của mình đã gắn liền với biển và chỉ có bao nhiêu đó thôi. Tụi tui cũng mong muốn nếu xảy ra bất khắc gì rất mong muốn được các anh tiếp sức giúp đỡ để anh em an tâm bám biển”.
Với ngư dân "tàu là nhà, biển là quê hương" dù phải đối mặt với nhiều khó khăn kể cả những hiểm nguy đánh đổi bằng tính mạng nhưng họ vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển. Bởi nay họ đã không còn đơn độc bởi luôn có các lực lượng chức năng, trong đó có Lực lượng Cảnh sát biển luôn đồng hành hỗ trợ.
Bà Trương Thị Lợi, vợ một ngư dân nói: “Giờ có Cảnh sát biển giúp đỡ cho bà con, những người ở nhà an tâm hơn phần nào. Nếu khi bị sự cố các anh tiếp sức giúp để bà con vững tâm giữ ra khơi làm ăn cũng như giữ vững vùng biển quê hương”.
Cảnh sát biển Việt Nam trao áo phao và tủ thuốc cho ngư dân
Trong số gần 3.000 ghe tàu khai thác hải sản và dịch vụ nghề cá của tỉnh Bình Thuận huyện đảo Phú Quý có trên 1.300 chiếc. Từ đầu năm đến nay tàu của dân trên đảo đã bị 5 sự cố về chìm tàu, cháy tàu trên biển... Những lần sự cố như vậy, luôn có sự hỗ trợ của Vùng Cảnh sát biển 3.
Không chỉ vậy, Vùng Cảnh sát biển 3 còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội cộng đồng như: Huấn luyện xử lý sự cố, cấp cứu, chống đuối nước trên biển, trao tặng nhà tình nghĩa, tặng tiền, quà, khám chữa bệnh phát thuốc... cho bà con trên đảo.
Ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình thuận bày tỏ: “Thời gian qua, Vùng Cảnh sát biển 3 có nhiều hoạt động đồng hành với ngư dân trên huyện đảo Phú Quý để bảo vệ vững chắc chủ quyền nước ta trên biển, bảo vệ sự bình an cũng như bảo vệ bình an cũng như bảo vệ cuộc sống cho người dân trên đảo. Việc làm này đã giúp cho bà con an tâm hơn trong hoạt động lao động sản xuất đánh bắt cũng như định cư lâu dài trên vùng đảo tiền tiêu Đông Nam”.
Trong năm 2016, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã cứu sống 207 người, 23 tàu thuyền trong đó có 3 tàu, sà lan nước ngoài. Riêng Cảnh sát biển vùng 3 đã cứu được 9 tàu và 114 thuyền viên gặp nạn trên biển.
Đại tá Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết: Giữa đại dương mênh mông, nơi tận cùng hải phận của đất nước. Mỗi tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió chính là cột mốc sống về chủ quyền của Tổ quốc.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện tuần tra, kiểm tra các khu vực biển, hỗ trợ bà con nhiều hơn khi gặp những sự cố gặp hoạn nạn, thiên tai... bảo vệ bà khi gặp tình trạng trộm cướp nhất là tình trạng cướp như cụ, lưới cụ bởi tàu thuyền nước ngoài. Hoặc tranh chấp như trường trên biển”.
Với ngư dân, sự hiện diện của những chiến sĩ, những con tàu của Cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển, đảo xa xôi là động lực, là chỗ dựa cho ngư dân vững tâm khi vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước./.
Vinh Quang/VOV.VN