Tiếng Việt | English

02/04/2022 - 09:40

Cây mù u tỏa hương...

Chỉ là chuyện mấy cây mù u trong vườn mà mấy bữa nay, cả xóm cứ đem ra bàn tán xôn xao. Anh Hai tôi lấy làm khó chịu nhưng má lại bảo “thôi kệ đi, người ta ai muốn nói gì thì nói, miễn sao không ảnh hưởng gì đến mình thì thôi”. Còn ba tôi vẫn như chẳng có gì xảy ra, ông không hề có một chút biểu cảm gì hiện lên gương mặt. Ba vẫn ánh mắt hiền từ như hồi nào đến giờ. Đôi khi tôi tự hỏi, ba hiền vậy mà ngày xưa sao dám tham gia cách mạng. Cũng từng vác súng trên vai mà đối mặt với kẻ địch, rồi cũng bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo tra tấn khổ sai bao nhiêu năm trời. Má thì rất hiểu về con người và tính cách của ba nên nhiều lần nói với mấy anh em tôi rằng, với bà con cô bác thì ba của các con là người hiền lành như thế, nhưng với kẻ thù giày xéo lên quê hương, đất nước thì ông cũng không khác gì những người lính anh dũng hiên ngang, sẵn sàng cầm súng mà tiến về phía trước, dù phải đổ máu và hy sinh.

Chiến tranh đã trở thành ký ức. Về lại với gia đình, bên mảnh đất xanh tươi màu cây lá, từ trước đến giờ, tôi chưa hề nghe một ai than phiền về ba. Nhưng mấy ngày nay, có người kêu ba nên đốn bỏ mấy cây mù u trong vườn nhà vì trông nó âm u, ban đêm đi ngang qua làm cho người ta cảm thấy sợ. Chuyện thật là vô lý, vậy mà ba vẫn không hề tỏ ra khó chịu. Thật ra cũng có lúc, tôi bắt gặp trong ánh mắt của ba có chút buồn buồn. Chẳng qua là ba không muốn ai đó phải nói này, nói nọ về mình. Nhưng nếu đốn bỏ những cây cổ thụ trong vườn thì là chuyện mà mấy anh em tôi và ba má không ai đồng ý.

Những buổi sáng nắng lên, những chùm mù u nở trắng trong vườn. Mỗi khi có làn gió thổi qua, làn hương của hoa cứ nhè nhẹ thoảng thơm, một mùi thơm rất dễ chịu. Có lần tôi hỏi ba, mấy cây mù u đó ngày xưa ai trồng? Ba bảo rằng “hồi đó, nội của con trồng, nhìn thấy thân nó thẳng nên ông nội để luôn chứ không đốn bỏ. Giờ không biết nó bao nhiêu tuổi rồi mà thân của nó một người ôm không giáp”.

Bà Năm nhà kế bên hay qua rù rì với má rằng, đốn mấy cây mù u đó đi, chứ để ban đêm mấy con chim cú mèo, chim heo đến đậu, kêu nghe ớn lạnh quá. Ông Chín nhà đằng kia thì lại nói, cây lớn quá để không nên, vì hay có người khuất mặt trú ẩn. Tôi cho đó chỉ là những chuyện hoang đường.

Hôm nọ có người đến hỏi mua mấy cây mù u nhưng ba vẫn không định bán, vì mấy cây này từ thời của ông nội để lại đến giờ nên nó cũng giống như là kỷ vật. Ba thì luôn trân quý những gì thuộc về xa xưa.

Mảnh vườn của ba như hình chữ nhật. Một phía có con lộ nhỏ ngày ngày người qua, kẻ lại. Và đó cũng là con đường mà tuổi thơ tôi cùng đám bạn chung xóm thong dong chơi đùa với những con châu chấu, cào cào và những con chuồn xanh, chuồn đỏ quẩn quanh bên nền cỏ non xanh. Còn phía kia là giáp với con sông. Chiều chiều, tôi hay ra đó ngắm lục bình trôi và chơi đùa tắm mát. Phía ven sông là những rặng bần, những bụi dừa nước xanh um tùm. Nó cứ vươn mình nảy nở mà gìn giữ bãi bờ như một sứ mệnh âm thầm. Ba kể ngày xưa, mấy người làm cách mạng cũng từng ở đây, chờ tàu giặc chạy ngang mà bắn. Chiến tranh nên những người bình thường cũng trở thành những anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Và có biết bao cái tên đã thành huyền thoại trên mảnh đất quê hương mình.

Ba tôi ngày một thêm già, tôi lớn lên lại muốn gìn giữ những gì thuộc về quá khứ. Như trong mảnh vườn này, nơi vẫn có những cây dừa nghiêng nghiêng che mát bến sông quê. Những cây xoài, cây mận mỗi mùa lại thêm hương trái ngọt, và những cây mù u như là kỷ vật theo suốt với thời gian. Trên thân của nó còn có mấy lỗ lủng, chính là dấu tích của chiến tranh còn lại. Mấy chỗ bị lủng đó lại là nơi của đôi chim chìa vôi làm tổ rồi đẻ trứng.

Khi những chú chim non đã nở và bay đi thì chẳng bao lâu sau lại có một đôi chim khác đẻ trứng và nuôi con. Khi là loài chim chìa vôi nhưng cũng có khi là chim sáo. Hồi nhỏ, anh Hai hay dẫn tôi ra vườn rồi chỉ cho tôi xem nơi có mấy con chim làm tổ. Có lần, anh còn trèo lên tận cái tổ bắt chim non đem xuống cho tôi xem, rồi anh lại trèo ngược lên cây để trả chúng vào cái tổ. Ba tôi thấy bắt chim con là la rầy. Ba nói không nên phá sự bình yên của chim, vì nó cũng giống như chúng ta vậy, lúc nào cũng mong muốn được sống trong yên bình, hạnh phúc, trong bầu trời tự do của chúng.

Từ ngày con lộ đất được thay thế bằng lộ nhựa rộng thênh thang thì xóm nhỏ của tôi cũng vui hẳn lên. Xe cộ cứ chạy qua chạy lại ồn ào từ sáng đến tối. Có lộ mới ngang cửa nhà thì ai mà không vui. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn nhớ con lộ cũ xanh màu cỏ dại và những con cào cào, châu chấu nhảy múa mỗi ngày. Nó như những hình ảnh lưu giữ ký ức tuổi thơ. Ngay cả những ai sinh ra và lớn lên từ nơi này từ xưa đến giờ, khi có con lộ nhựa rồi, muốn đi đâu thì chỉ cần lên xe là vọt mất tiêu, làm sao còn thời gian để kịp cảm nhận được hương của những cánh hoa mù u trong vườn vừa mới nở và đang thì thầm tỏa thơm theo từng cơn gió, làm sao được nghe tiếng của đôi chim chìa vôi hót lảnh lót từ phía khu vườn đầy nắng ấm yên bình.

Dường như trong lúc này, mọi người lại quay sang chuyện bán nền nhà. Từ khi đất được ra mặt tiền, nhiều người cắt đất để bán cho người ta đến xây nhà ở. Hôm nay, người này mới bán xong thì hôm sau, người kia lại bán giá cao hơn. Giá nền nhà cứ lên mỗi ngày nên ai cũng muốn cắt đi một mớ mà bán để làm vốn xoay xở công việc của mình. Má cũng kêu ba cắt đi một ít để bán, lấy số tiền đó mà sửa lại căn nhà vốn đã quá rêu phong, cũ kỹ. Ba lưỡng lự mãi vì đây là đất của ông bà, tổ tiên gìn giữ biết bao đời. Bây giờ mà cắt ra để bán thì lại sợ có lỗi với người xưa nên ba không chịu. Anh Hai và chị Ba thì đứng về phía má vì ai cũng muốn ba với má có được căn nhà khang trang như bao người khác để ở trong lúc tuổi xế chiều. Trong đầu tôi cũng đang tưởng tượng ra một ngày mình được bước chân trên nền gạch men sáng loáng, phía trên tường lấp lánh những hoa văn như tôi đã từng thấy ở nhà của ai đó. Nhưng vì tôi thương ba, tôi hiểu suy nghĩ của ba nên cũng không dám nói câu gì phụ má.

Mấy bữa nay thời tiết thay đổi, vết thương trên người của ba lại đau nhức, cả những cơn ho liên tục. Uống thuốc xong, ba lại ra ngồi trên cái bàn đá ngoài sân mà uống trà một mình. Thỉnh thoảng, ba lại đưa mắt nhìn về phía mảnh vườn, nơi có những cây mù u vẫn đang xanh tươi màu lá, và những cánh hoa màu trắng đang đua nở an lành.

Trong nhà, thằng Út cầm chiếc điện thoại nghe một lúc rồi nó đưa cho má. Dường như ai đó lại hỏi về chuyện muốn mua đất để cất nhà. Tôi nghe má nói với người ta để từ từ tính lại, có gì sẽ cho hay sao. Buổi chiều hôm đó, ba kêu tôi lại ngồi để ba tính chút chuyện. Tự dưng tôi nghe tim mình đánh thình thịch. Trong mấy đứa con của ba, chỉ duy nhất mình tôi là người không dám tham gia chuyện mà má đang tính. Có bán đất cho người khác đến cất nhà ở đây hay không, với tôi chẳng có gì quan trọng cả. Có được ở trong một ngôi nhà đẹp hay vẫn như tự hồi nào đến giờ thì tôi cũng quen rồi. Ba nói với tôi: “Đất đai này ngày xưa ông bà để lại cho nội con, khi nội con mất đi thì ba là người kế thừa, gìn giữ nên dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể theo ý của má con được. Nhưng sau này, nếu ba có mất đi thì tùy mấy anh em tụi con. Miếng đất đó ba cũng chia cho mỗi đứa một phần đâu vào đó hết rồi. Sau này, đứa nào muốn giữ lại hay bán thì cứ tự ý mà làm”. Ba nói mà như lời di chúc sau cùng vậy. Giọng của ba nghẹn ngào và mệt mỏi. Tôi biết ba nói vậy nhưng trong tâm ba muốn các con của mình vẫn giữ và canh tác phần đất của ba để lại.

Những tia nắng buổi chiều ngang qua êm đềm buông xuống, soi lên màu tóc của ba trắng tựa mây. Trong tôi lại nghĩ, giá như đừng có con lộ nhựa ngang qua mảnh vườn của nhà mình thì đâu có chuyện gì làm ba trăn trở. Giá như trong gia đình, ai cũng nghĩ đơn giản như tôi thì chắc ba không phải phân vân nhiều đến vậy.

Cuộc họp gia đình diễn ra để đi đến thống nhất cho câu trả lời mà má đã hứa với người ta. Ai cũng đồng tình theo má. Chỉ có tôi là người phản đối gay gắt. Rằng tôi giống như ba vậy, sẽ quyết tâm gìn giữ mảnh đất của tổ tiên để lại. Hôm đó, anh Hai cáu gắt, mắng tôi không chịu ủng hộ má, cứ cổ hủ như ba rồi khi nào gia đình mới khấm khá lên được. Tôi chỉ biết im lặng, thầm trách anh quá vội vàng, chỉ biết nghĩ cái lợi trước mắt. Nhưng thôi, ai rồi cũng lớn và tự quyết định việc làm của mình. Ba với má thì cứ ngày một già đi, rồi về với tổ tiên.

Quê hương luôn đổi mới và phát triển từ phố thị đến tận vùng nông thôn như là niềm mơ ước của bao người. Trong khu vườn này của ba, tôi vẫn muốn lưu giữ những hình ảnh thân quen đã theo suốt một thời tuổi thơ với biết bao ký ức ngọt ngào còn lắng lại trong tim.

Những cây mù u già vẫn đứng đó trổ hoa và thầm lặng tỏa hương thơm.../.

Lê Văn Trường

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích