Người cao tuổi là ai?
Theo các luật gia, người cao tuổi Việt Nam là công dân trên 60 tuổi, được ưu tiên trong khám chữa bệnh và được miễn các khoản đóng góp cho hoạt động xã hội, còn theo quan điểm y học, người cao tuổi là người đang ở giai đoạn già hóa gắn liền với sự suy giảm các chức năng cơ thể.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sắp xếp các lứa tuổi như sau: Từ 45 - 59 tuổi là người trung niên, từ 60 -74 tuổi là người có tuổi, từ 75 - 90 tuổi là người già và trên 90 tuổi là người già sống lâu. Đến giai đoạn lão hóa của tuổi già, cơ thể con người sẽ có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý.
Để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chúng ta cần biết rõ về thể chất và đặc điểm tâm sinh lý khi cơ thể bị lão hóa, từ đó mới đưa ra những cách chăm lo phù hợp cho từng cá nhân. Cần có sự phối hợp tốt giữa chuyên gia y tế với gia đình và môi trường xã hội để nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.

Ảnh minh hoạ
Ở một số quốc gia việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn để chăm sóc người cao tuổi nhưng Việt Nam nằm trong số các nước có truyền thống chăm sóc người già tại gia đình để luôn được gần gũi với người thân và xã hội. Việc này đòi hỏi phải có sự phát triển cao về mạng lưới y tế gia đình, về nhà ở, về giao thông và trình độ y tế.
Đặc điểm tâm sinh lý của người cao tuổi:
Người cao tuổi thường cảm thấy cô đơn, dễ tủi thân, rơi vào trạng thái trầm cảm biểu hiện qua các triệu chứng lâm sàng như mất ngủ, suy giảm trí nhớ, đau nhức cơ, xương khớp, dễ té ngã vì vậy cần được quan tâm, chú ý hơn nhằm kịp thời giúp đỡ họ sống vui, sống khỏe, sống hữu ích bằng cách thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện.
Từ 30 tuổi trở lên, các chức năng cơ thể bắt đầu suy giảm dần gọi là lão hóa. Tiến trình này xảy ra theo thời gian và tùy vào thể trạng mỗi người sẽ có những sự thay đổi khác nhau.
Thời gian lão hóa cũng khác nhau, có cơ quan già trước, có cơ quan già sau. Việc dùng thuốc cũng cần thận trọng vì cơ thể người già nhiều mỡ và ít nước, các thuốc tan trong nước có phạm vi phân bố ít hơn làm cho nồng độ thuốc cao hơn và tác dụng thuốc nhanh hơn. Ngược lại, các thuốc tan trong dầu được phân bố trong cơ thể có phạm vi rộng hơn, lưu lại lâu hơn và làm tăng thời gian bán huỷ thuốc, dễ gây độc.
Theo nguyên lý y khoa cơ thể thiếu gì, bổ sung nấy, các nhà sản xuất và kinh doanh đã nghiên cứu đưa ra thị trường thuốc bổ gan, bổ thận, bổ xương bảo vệ sức khỏe cùng nhiều nhãn hiệu sữa non, sữa hạt và các dụng cụ y khoa cá nhân cho người cao tuổi như kem chống ê buốt, gậy, nạng, xe đẩy,… phục vụ từng đối tượng bệnh nhân.
Đặc điểm suy giảm thể chất ở người cao tuổi và giải pháp:
Khả năng thích nghi suy giảm nên người cao tuổi sức yếu hơn, dễ bị tổn thương bởi thời tiết do cơ thể không tự điều chỉnh nhiệt độ hiệu quả. Nếu ở xứ lạnh mùa đông cần sắm lò sưởi, còn mùa hè cần máy lạnh, quạt và điểu chỉnh nhiệt độ môi trường sao cho cha mẹ cảm thấy thoải mái. Trang phục phù hợp, đội mũ, mang tất cho ấm và nên tắm nước ấm ở nhiệt độ 37 đến 40 độ C sẽ giúp thư giãn cơ bắp và đào thải độc tố ra ngoài.
Nếu người cao tuổi bị té ngã hay tai biến, sau giai đoạn cấp cứu không còn khả năng tự chăm sóc bản thân phải dựa vào gia đình. Chúng ta hỗ trợ bằng cách giúp đỡ cha mẹ vệ sinh cá nhân, dạy con cháu thương yêu và phụ giúp ông bà, trong gia đình ít người cần thuê người giúp việc. Người già sẽ bị thay đổi về diện mạo, da nám nhăn nheo có cả vết đồi mồi, tóc bạc và rụng, răng yếu hơn và rụng dần theo thời gian. Các cơ quan cảm giác, thính giác, khứu giác và thị giác kém dần theo tuổi tác. Lão hóa cơ bắp dẫn đến teo cơ, khó đi lại, tế bào thần kinh chết dần khiến việc phản ứng của người cao tuổi với môi trường chậm hơn, các khả năng ghi nhớ, đọc hiểu giảm dần.
Các máy trợ thính, mắt kính sẽ giúp phục hồi chức năng. Có thể dùng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như ginkgo biloba bổ não, glucosamin tốt cho xương khớp, cyanocobalamin B12 giảm tê bì tay chân, collagen làm đẹp da, omega 3,6,9 bảo vệ tim mạch.
Mạch máu của người cao tuổi thường xơ cứng dẫn đến nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, cơ tim co bóp yếu hơn khiến người già thường mệt mỏi sau khi vận động, vì thế phải đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ sẽ cho lời khuyên hữu ích cho từng trường hợp.
Các chức năng hô hấp suy yếu, phổi đàn hồi kém nên cần ra ngoài trời tiếp xúc với ánh nắng và không khí trong lành, du lịch về miền quê. Hoạt động của hệ tiêu hóa giảm, nhu động ruột giảm, dạ dày bé lại, nước bọt và men tiêu hóa tiết ra ít hơn dẫn đến táo bón nên cần bổ sung chất xơ trong chế độ dinh dưỡng.
Chức năng gan suy giảm, việc đào thải độc tố ra khỏi cơ thể kém hơn cần bổ sung silymarin. Thận nhỏ lại khiến việc lọc máu, tái hấp thu kém dần, bàng quang không thể đựng nhiều chất thải như trước khiến người cao tuổi thường phải đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt hoặc không thể nhịn tiểu.
Với nam giới, nồng độ testosterone giảm khiến lượng tinh trùng ít hơn, bớt hứng thú tình dục trong khi đó phụ nữ sau tuổi mãn kinh buồng trứng teo lại, âm đạo khô và mỏng hơn, tuyến vú cũng bớt săn chắc. Các sản phẩm chiết xuất từ động vật như nhau thai, hàu biển, rượu tắc kè, đông trùng hạ thảo có thể giảm sự lão hóa này. Xương xốp và dễ gãy do lượng canxi hấp thụ vào cơ thể giảm.
Trên 50 tuổi, nam giới mất đi 1% khối xương, phụ nữ mất 2 - 4% khối xương mỗi năm vì thế xương giòn, dễ gãy và khó lành sau khi té. Cần có chế độ dinh dưỡng giàu canxi như ăn tôm cua, có thể uống thêm canxi nano, vitamin D2 chống loãng xương.
Những sản phẩm này có thể mua từ nhà thuốc, cửa hàng được nhà nước cho phép dưới sự hướng dẫn chuyên môn của dược sĩ, có thể giúp đảm bảo tính nhất quán trong chăm sóc, ngăn ngừa các vấn đề liên quan như tương tác thuốc, đây là những nguy cơ đặc biệt đối với người cao tuổi.

Ảnh minh hoạ
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần sự phối hợp giữa nhân viên y tế với gia đình và xã hội để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài việc khuyên người cao tuổi tập thể dục vừa sức, theo dõi huyết áp ít nhất 1 lần 1 tuần và duy trì ở mức dưới 140/90 mm Hg, kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần và dinh dưỡng tốt còn cần sự yêu thương, đồng cảm và thấu hiểu.
Nếu được chăm sóc đúng cách, người cao tuổi vẫn đảm bảo duy trì cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc và trường thọ. Câu tuyên ngôn Alma Ata trong hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu “Sức khỏe cho mọi người” vẫn còn nguyên giá trị./.
Tài liệu tham khảo:
1. Pháp lệnh người cao tuổi ở Việt Nam số 23/2000/PL-UBTVQH10, ban hành ngày 28/04/2000
2. Debra Bakerjian, Tiến sĩ, APRN, Đại học California Davis, Dược sĩ và người cao tuổi
|
DSCKII. Lý Thị Nhất Định