Tiếng Việt | English

02/06/2020 - 10:48

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm sóc của xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được quan tâm

Chiều một ngày cuối tháng 5, em T.V.C. (13 tuổi), quê Quảng Ngãi, trên tay cầm cọc vé số hớt hải chạy vào quán cà phê D.X trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An năn nỉ khách uống cà phê mua giúp những tờ vé số vì sắp đến giờ xổ. Hôm nay, em bán chậm, từ sáng đến gần cuối giờ chiều em vẫn còn hơn 20 tờ vé số chưa có người mua. Cũng may, sau hơn 10 phút, những người khách thương tình đã mua hết vé số cho em. Em kể, gia đình em khó khăn, hơn 1 năm trước theo mẹ vào Long An để bán vé số, mỗi ngày em phụ mẹ bán 100 tờ. Dù thiệt thòi khi không được tiếp tục học hành hay vui chơi như những trẻ em khác nhưng em vẫn vui vì giúp được gia đình trong cuộc sống mưu sinh.

Không chỉ có em T.V.C., trên địa bàn TP.Tân An không khó để bắt gặp những hoàn cảnh như em phải gác lại tuổi thơ lao vào đời mưu sinh sớm. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, toàn tỉnh có 358.374 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 23,51%/tổng dân số, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.367 trẻ; 14.213 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 12.283 trẻ em trong các gia đình nghèo, cận nghèo; 631 trẻ em bỏ học; 552 trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội như cha, mẹ ly hôn, bạo lực, có người nhiễm HIV/AIDS;… Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt rất cần được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, chăm sóc.

Trẻ em di cư từ Campuchia về được học văn hóa tại các lớp học do cán bộ, chiến sĩ biên phòng tổ chức

Bảo đảm các chính sách chăm sóc đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý Công tác xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt, toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở chăm sóc và nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gồm 2 cơ sở công lập là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật và 6 cơ sở ngoài công lập với gần 600 em. Tại các cơ sở, các em đều được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo và được học văn hóa, học nghề. Đồng thời, trong các dịp lễ, tết, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tháng hành động Vì trẻ em và Tết Trung thu, Sở và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp học bổng cũng như các hoạt động vui chơi cho các em. Năm 2019, các ngành chức năng, mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện toàn tỉnh tổ chức thăm và tặng quà 186 lượt trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện việc trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo nghị định của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, hàng năm, tỉnh dành kinh phí trên 20 tỉ đồng để hỗ trợ thường xuyên cho các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Các hoạt động thiện nguyện hướng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt

Song song đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại với các biện pháp, hình thức can thiệp như tiếp nhận thông tin, kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn; phối hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp; lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị xâm hại, bạo lực, bóc lột để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em; tổ chức các hoạt động hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi sức khỏe cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng như thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;…

 “Với các biện pháp và các hoạt động can thiệp trợ giúp trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, xây dựng được các yếu tố về tinh thần, niềm tin, cảm giác an toàn, được bảo vệ, chia sẻ đối với trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ ngành y tế, giáo dục trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe, học tập đối với trẻ em, nhất là trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” - Phó Trưởng phòng Quản lý Công tác xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt cho biết./.

Kiên Định

Nếu không được chăm sóc kịp thời, không biết bây giờ các em sẽ ra sao?

Năm 2006, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận em Nguyễn Thanh Xuân (10 tuổi, ngụ huyện Đức Huệ) vào chăm sóc. Em Xuân thuộc trường hợp trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Nhờ sự chăm sóc của cán bộ trung tâm, em được học tập như bao trẻ em khác. Hoàn thành THPT, em tiếp tục được trung tâm gửi đi học nghề tại huyện Bến Lức để bảo đảm cho tương lai, cuộc sống sau này. Năm 2010, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã liên hệ tìm được người thân của em tại huyện Đức Hòa. Từ đây, trung tâm tiếp tục liên hệ được với ngoại của em tại huyện Đức Huệ. Có trong tay nghề nghiệp và việc làm ổn định, năm 2010, em Xuân chia tay trung tâm để về tự lập cuộc sống mới cùng ngoại.

Báo động tình trạng xâm hại trẻ em

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, giai đoạn từ năm 2015-2019, trên địa bàn tỉnh phát hiện 161 vụ xâm hại trẻ em với 163 nạn nhân. Trong đó, có 152 nạn nhân là trẻ em nữ, 11 trẻ em nam. Đáng chú ý trong số các vụ xâm hại trẻ em nổi lên là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em với 145 vụ/147 nạn nhân nữ.

Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em khiến 2 nạn nhân tử vong, 1 nạn nhân thương tích và 15 nạn nhân mang thai. Trong đó, cơ quan công an đã tiến hành điều tra, lãm rõ và khởi tố đối với 147 vụ/148 bị can về các tội danh giết người, cố ý gây thương tích và nhóm tội danh liên quan đến tội hiếp dâm, giao cấu, dâm ô người dưới 16 tuổi. Đặc biệt, trong số nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua, một số vụ có tính chất rất nghiêm trọng khi người phạm tội lại là những người thân trong gia đình.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, ảnh hưởng nguy hại nhất của hành vi xâm hại trẻ em trước hết tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển không bình thường về tâm lý, giới tính cũng như tương lai các em về sau. Đồng thời, hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em còn tác động trực tiếp vào nền tảng đạo đức, xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Trước tình trạng xâm hại trẻ em thời gian qua, ngoài các biện pháp phòng ngừa, giáo dục của các ngành chức năng, đoàn thể thì một yếu tố quan trọng để bảo vệ các em chính là gia đình. Theo đó, mỗi gia đình cần luôn quan tâm việc quản lý, giáo dục con em về kỹ năng sống, các biện pháp tự vệ khi bị xâm hại hay dạy cho các em nhận biết được những hành vi xâm hại tình dục trẻ em để chủ động phòng, tránh cũng như thông báo cho người thân để có các biện pháp bảo vệ trẻ em.

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích