Tiếng Việt | English

02/06/2020 - 16:04

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em - Trách nhiệm của cả cộng đồng

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là hoạt động luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Long An đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được vui chơi, phát triển toàn diện.

Phụ nữ Cần Đước cùng đại diện mạnh thường quân thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Phụ nữ Cần Đước cùng đại diện mạnh thường quân thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Đồng hành cùng trẻ em khó khăn

Với thông điệp “Chia sẻ yêu thương để nhận về tình yêu thương nhiều hơn nữa!”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Cần Đước đã đồng hành, mang đến nụ cười cho trẻ thơ. Bao năm qua, các chị từ Huyện hội đến cơ sở cũng như mạnh thường quân không quản khó nhọc mang những phần quà nghĩa tình đến với trẻ em nghèo.

Trở lại thăm gia đình bé Châu Phương Thảo, SN 2011, ngụ xã Long Hòa. Khác với những lần trước, lần này, bệnh của Thảo đã giảm.Em có thể đến trường.Thảo bị bệnh bướu máu bẩm sinh, thường xuyên đến bệnh viện.Qua nhiều đợt chữa trị, gia đình vốn khó khăn lại chồng chất khó khăn. Bất hạnh hơn, mẹ của bé sau đó cũng mắc phải bệnh hiểm nghèo,...Cảm thông trước hoàn cảnh của gia đình, các chị em PN trong huyện vận động hỗ trợ một phần chi phí cho Thảo và thường xuyên đến thăm, động viên gia đình.

"Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 358.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi trên 129.000 trẻ. Năm 2018, 2019, ngân sách tỉnh trích cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh mỗi năm 5 tỉ đồng; hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động hàng tỉ đồng; các địa phương, các hội, đoàn thể,... thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các dịp lễ, tết,..."

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Kim Cương thông tin, nổi bật nhất trong hoạt động của Hội thời gian gần đây là hoạt động truyền thông về vấn đề an toàn cho trẻ em. Hội xây dựng nhiều mô hình, các câu lạc bộ nhằm kết nối, chăm lo trẻ em.Đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, Hội thực hiện chương trình tiếp sức đến trường, tặng quà, học bổng, hỗ trợ xây tặng nhà với số tiền lên đến 2 tỉ đồng. Đặc biệt, trong những ngày phòng, chống dịch Covid-19, Hội tổ chức đến thăm 35 trẻ em được sinh ra trong thời gian cách ly xã hội,...

“Hành trình của chúng tôi không hề đơn độc mà có sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của mạnh thường quân. Từ đó, để các cháu, các gia đình cảm nhận rằng, Đảng, Nhà nước lúc nào cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em” - chị Kim Cương nói.

Không chỉ quan tâm để trẻ phát triển toàn diện, hỗ trợ trẻ gặp khó khăn, huyện Cần Giuộc còn tạo điều kiện để mái ấm An Lạc (nuôi trẻ mồ côi) được thành lập tại chùa Pháp Tánh, thị trấn Cần Giuộc, xây dựng trung tâm chăm sóc trẻ em mồ côi Thanh Bình, xã Thuận Thành,... Với sự chung tay, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, Hội, đoàn thể cùng mạnh thường quân, trẻ em trên địa bàn huyện, bao gồm cả trẻ mồ côi đều được chăm sóc. 

Năm 2012, khi chính quyền địa phương thông báo với chùa Pháp Tánh về việc có một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở cầu thang bệnh viện và mong muốn chùa nhận nuôi. An Lạc (tên của bé) sau này được chọn làm tên của mái ấm ý nghĩa. Ngoài An Lạc, chùa đang chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 40 trẻ khác có hoàn cảnh tương tự. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, bên cạnh việc triển khai, thực hiện các văn bản của trên liên quan đến công tác trẻ em, các ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện tích cực vận động xã hội hóa để chăm lo trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa với hy vọng những trẻ nhỏ lớn lên sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

"Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác (1890-2020) và 79 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2020), Huyện đoàn phát động đến các cơ sở Đoàn trong huyện vận động, quyên góp các vật phẩm (vở chưa sử dụng, sách, truyện cũ còn nguyên vẹn, đồ dùng mới hoặc cũ còn sử dụng; các nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn,...) góp phần chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời phát huy tinh thần tương thân, tương ái, khơi dậy sự đoàn kết, gắn bó, tình yêu thương trong mỗi đội viên, thiếu nhi. 

Song song đó, thời gian qua, Huyện đoàn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị kỹ năng sống, kiến thức phòng tránh tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em; thực hiện công trình măng non cấp huyện mang tên Âm vang Đội ta cho 12 liên đội, trị giá 70 triệu đồng; tặng một số phần quà cho các em thiếu nhi, học sinh trên địa bàn;...”.

Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Nguyễn Thị Tú Trinh

Chăm lo trẻ em là trách nhiệm cộng đồng

Chăm lo trẻ em là trách nhiệm cộng đồng

Tiếp tục bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Những năm qua, tỉnh huy động tốt mọi nguồn lực xã hội để chăm lo trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật,... Bên cạnh tổ chức Diễn đàn trẻ em hàng năm với những chủ đề thiết thực, tỉnh còn thăm, tặng quà, tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu,... cho học sinh ở các trường mầm non, tiểu học, THCS. Ngoài ủng hộ tiền mặt, hiện vật thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân còn trực tiếp tặng quà, học bổng, đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập. 

Em Trần Thanh Hương, Trường THCS An Lục Long, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, là một trong những học sinh may mắn nhận học bổng “Thắp sáng ước mơ” do Tỉnh đoàn phối hợp Đoàn cơ sở Agribank Chi nhánh tỉnh hỗ trợ. Với Hương, suất học bổng 7 triệu đồng này tiếp thêm động lực cho em.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh - Lê Thị Cẩm Tú, chăm lo trẻ em là một hoạt động không thể thiếu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Trong đó, Đoàn phát huy mọi nguồn lực xã hội để chăm lo công tác thanh, thiếu nhi. Từ đó, giúp các em phát triển toàn diện, góp phần ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh hoạt động vui chơi, giải trí ở địa bàn dân cư.

Ngoài tổ chức các hoạt động chăm lo, đoàn viên, thanh niên cũng tập trung giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống trong thanh, thiếu nhi. Năm nay, Hội đồng Đội tỉnh triển khai chương trình “Một triệu ly sữa” để động viên, hỗ trợ học sinh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Phó phòng Quản lý Công tác xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt cho biết, thời gian qua, các mục tiêu, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội hóa, sở chú trọng các hoạt động: Phòng, chống tai nạn, thương tích; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,... Nhà trường, gia đình và xã hội có sự phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Tháng hành động Vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, tỉnh hướng tới mục đích bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em sống và phát triển một cách toàn diện, tiếp tục thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”. Song song đó, tỉnh huy động toàn xã hội tạo điều kiện cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề liên quan; lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến của trẻ em;...

"Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, khi đứa con thứ hai chào đời chẳng may bị hẹp 50% khí quản, bệnh tim bẩm sinh,... nên chi phí điều trị ngoài khả năng của gia đình. Qua sự giới thiệu, chúng tôi gửi đơn kêu cứu đến Tòa soạn Báo Long An và được quý báo kêu gọi hỗ trợ. Từ tấm lòng của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, con trai tôi được mổ tim, phát triển bình thường”./.

Anh Nguyễn Văn Cường, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích