Tiếng Việt | English

28/07/2020 - 19:00

Chăm sóc sức khỏe gia đình chính sách, người có công

Các ngành, địa phương trong tỉnh Long An xem công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công (NCC), nhất là việc phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp gia đình chính sách, NCC sống vui, sống khỏe và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình.

Gia đình chính sách, người có công là đối tượng ưu tiên trong các đợt khám, chữa bệnh miễn phí tại địa phương
Gia đình chính sách, người có công là đối tượng ưu tiên trong các đợt khám, chữa bệnh miễn phí tại địa phương

Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, NCC với cách mạng như chi trả chế độ kịp thời; thăm hỏi và tặng quà vào dịp lễ, tết; mua bảo hiểm y tế; ưu đãi về giáo dục và đào tạo, dạy nghề;... Nhờ đó, sức khỏe của các gia đình chính sách, NCC được bảo đảm, giúp họ sống vui, sống khỏe.

Chia sẻ với chúng tôi về việc chăm lo sức khỏe cho gia đình chính sách, NCC, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa - Phan Vũ Cường cho biết: “Vào những dịp lễ, tết hàng năm như kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), Tháng hành động Vì nạn nhân chất độc da cam,... chúng tôi thường vận động mạnh thường quân đến khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho NCC và thân nhân, thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam,... Đây là hoạt động nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu vì độc lập, tự do cho đất nước”.

Toàn tỉnh hiện có trên 125.000 NCC với cách mạng, trong đó có gần 30.000 liệt sĩ, trên 11.000 thương, bệnh binh, 5.294 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, ngành Y tế tỉnh tích cực phối hợp các địa phương, đoàn thể, đơn vị có liên quan tổ chức các đợt khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, NCC trên địa bàn. Ngành Y tế cũng thực hiện tốt việc ưu tiên cho các đối tượng chính sách, NCC khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

Những người cao tuổi là người có công, đi lại khó khăn được trạm y tế xã cử cán bộ y tế đến khám và điều trị bệnh tại nhà

Những người cao tuổi là người có công, đi lại khó khăn được trạm y tế xã cử cán bộ y tế đến khám và điều trị bệnh tại nhà

Bà Phan Thị Điệu (78 tuổi), ngụ ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Anh trai của bà là liệt sĩ, bản thân bà từng tham gia kháng chiến và là thương binh hạng 4/4. “Ngoài chế độ hưởng trợ cấp theo quy định, những ngày lễ, tết, xã thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình. Trong các đợt khám sức khỏe tại địa phương, những đối tượng là gia đình chính sách, NCC như tôi đều được ưu tiên mời đến kiểm tra sức khỏe miễn phí” - bà Điệu chia sẻ.

Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân, các cấp, ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ y, bác sĩ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng xem công tác chăm lo, phụng dưỡng, nhất là chăm sóc sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh là nhiệm vụ quan trọng. Đối với những người cao tuổi thuộc gia đình chính sách, NCC đi lại khó khăn thì trạm y tế xã cử y, bác sĩ đến khám và điều trị bệnh tại nhà, trong đó có Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nâu (sinh 1937), ngụ ấp 4. Được biết, mẹ Nâu có chồng và 2 con là liệt sĩ.

Bà Bùi Kim Hồng (con dâu mẹ Nguyễn Thị Nâu) cho biết: “Mẹ tôi tuổi đã cao nên không tránh khỏi những lúc ốm đau. Do điều kiện đi lại khó khăn nên mẹ được các y, bác sĩ tận tình đến nhà để chăm sóc sức khỏe. Tôi rất vui và cảm kích sự quan tâm đặc biệt này. Phát huy truyền thống gia đình cách mạng, tôi tiếp tục nhắc nhở con, cháu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Công tác chăm lo gia đình chính sách, NCC, nhất là chăm sóc sức khỏe thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người hy sinh vì độc lập, tự do, ấm no cho đất nước. Đây là hoạt động tô đẹp thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết