Giai đoạn 2017-2019, tỉnh xây dựng 10 mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ
Giá trị sản phẩm tăng, lợi nhuận cũng tăng
Chương trình chăn nuôi bò ƯDCNC triển khai trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức, tạo được sự chuyển biến tích cực. Nhận thức về phát triển kinh tế hợp tác được nâng lên, một số hợp tác xã thực hiện tốt vai trò liên kết hộ nông dân cùng sản xuất theo một quy trình, tạo ra hàng hóa với chất lượng tốt hơn. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như lợi ích kinh tế của các thành viên hợp tác xã ngày càng nâng cao.
Người chăn nuôi trong vùng đề án nhận thức được tầm quan trọng của việc chăn nuôi bò ƯDCNC. Họ thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất, chịu trách nhiệm về sản phẩm làm ra. Người dân tăng lợi nhuận, từng bước ổn định cuộc sống gia đình. Đặc biệt, một số mô hình điểm khi triển khai đạt kết quả, chủ động được nguồn bò giống, nâng cao giá trị đàn bê con (tăng trên 30% giá trị cũng như trọng lượng). Hộ chăn nuôi tham gia mô hình điểm làm chủ được kỹ thuật thiết kế khẩu phần trên phần mềm mà đơn vị tư vấn hướng dẫn, kỹ thuật ủ chua thức ăn để dự trữ, làm đá khoáng, xử lý chất thải,… Mô hình điểm ngày càng được triển khai rộng rãi, có hơn 350 hộ trong vùng đề án ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chăn nuôi bò: Thụ tinh nhân tạo, cơ giới hóa, trồng cỏ chất lượng cao và xử lý chất thải.
Theo ông Lê Thanh Tuấn - thành viên Tổ hợp tác Đức Lập Hạ (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa): “Gia đình chăn nuôi bò từ rất lâu nhưng hiệu quả chưa cao. Khi tham gia tổ hợp tác và chăn nuôi bò theo hướng công nghệ cao, tôi chủ động tổ chức lại sản xuất, sử dụng loại giống bò phù hợp; cách ủ thức ăn, trồng cỏ, xây dựng chuồng trại khoa học, xử lý chất thải bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường,… Từ đó, việc chăn nuôi đạt hiệu quả hơn, bê con sinh ra khỏe mạnh, trọng lượng và giá trị đều tăng”.
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông (xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa) - Võ Thanh Quang cho biết, việc chăn nuôi bò của các thành viên bước đầu đạt một số kết quả khả quan. Các thành viên thay đổi tư duy, nhận thức và ƯDCNC vào chăn nuôi.Chúng tôi được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, cách áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi. Nhờ đó, sản phẩm ngày càng nâng cao chất lượng, tăng được giá trị, thành viên tăng thêm thu nhập. Hiện nay, hợp tác xã có 16 thành viên, tổng đàn bò 120 con.
Cần nguồn vốn hỗ trợ
Tuy đề án bước đầu đạt một số kết quả tích cực nhưng việc chăn nuôi bò ƯDCNC vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định khi triển khai thực hiện. Theo ông Võ Thanh Quang, đa phần thành viên còn khó khăn trong việc tiếp nhận, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Kinh nghiệm chăn nuôi của các thành viên còn ít, nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế, năng lực cán bộ quản lý cũng như bộ máy tổ chức của hợp tác xã còn yếu so với yêu cầu,… Chúng tôi kiến nghị cấp trên hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn vay, mô hình điểm, thị trường,… để chăn nuôi đạt hiệu quả bền vững.
Giám đốc Hợp tác xã Tây Hòa (ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) - Nguyễn Văn Ninh chia sẻ: "Chúng tôi ƯDCNC vào chăn nuôi bò và bước đầu đạt một số kết quả. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của hợp tác xã là việc cải tạo, mở rộng quy mô cũng như thực hiện mô hình điểm đòi hỏi chi phí khá cao.Hiệu quả đàn bò thịt ƯDCNC đòi hỏi phải có thời gian dài (3-5 năm trở lên) nên một số thành viên còn e ngại khi đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Bên cạnh đó, thành viên còn hạn chế kiến thức trong việc chẩn đoán bệnh, sử dụng thuốc thú y phòng trị bệnh, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, phối trộn thức ăn, xử lý chất thải để tránh ô nhiễm môi trường. Một số thành viên còn do dự trong việc góp vốn điều lệ để duy trì hoạt động của hợp tác xã. Bộ máy quản lý chưa có kinh nghiệm, năng lực yếu trong điều hành, thiếu chuyên môn, đa phần lớn tuổi,…".
“Chúng tôi sẽ củng cố Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, kết nạp thêm thành viên. Bên cạnh vận động các thành viên góp vốn đối ứng xây dựng hạ tầng, tham gia tập huấn và duy trì sinh hoạt hàng tháng hiệu quả, hợp tác xã sẽ xây dựng phương án kinh doanh tốt, thiết thực và tổ chức thực hiện đạt yêu cầu đề ra. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước tăng cường thêm chính sách hỗ trợ bò giống lai cho các thành viên; hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các chính sách vay vốn ưu đãi, xây dựng hạ tầng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.Hợp tác xã hiện có 16 thành viên, tổng đàn bò 175 con” - ông Nguyễn Văn Ninh chia sẻ thêm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: Đề án chăn nuôi bò thịt ƯDCNC trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay, đề án vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định khi triển khai thực hiện. Sở tiếp tục phối hợp các địa phương, sở, ban, ngành tháo gỡ những vướng mắc, tham mưu UBND tỉnh những giải pháp cụ thể để đề án đạt kết quả./.
Lực Nguyễn