Đẩy mạnh viễn thông công ích
Thông tin được coi là 1 trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin và việc làm. Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet giúp họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách cũng như học hỏi thêm kiến thức, từng bước hòa cùng sự phát triển chung.
Hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được tạo điều kiện tiếp cận thông tin thông qua những hỗ trợ từ phía các đơn vị viễn thông, nhất là các gói hỗ trợ viễn thông công ích như miễn phí phút gọi nội mạng, ngoại mạng và dung lượng 3G truy cập Internet. Qua đó, giúp hộ nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận và sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin.
Nhân viên Viettel huyện Châu Thành hỗ trợ đăng ký sim mới cho ông Nguyễn Văn Y (ấp Lộ Đá, xã An Lục Long)
Vừa nhận được sim viễn thông công ích từ Viettel huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Y (ấp Lộ Đá, xã An Lục Long) gọi liền cho người thân, thông báo về số điện thoại mới. Với thuê bao mới được hỗ trợ, ông Y được cung cấp phút gọi nội, ngoại mạng miễn phí, có dung lượng 3G nhất định sử dụng hàng tháng. Điều này giúp ông Y tiết kiệm chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ông Y chia sẻ: “Tôi được cháu tặng chiếc điện thoại thông minh và hướng dẫn cách sử dụng. Chủ yếu lúc nào có wifi thì tôi dùng để gọi Zalo cho tiết kiệm tiền. Nay được hỗ trợ sim mới, có phút gọi miễn phí, có 3G miễn phí, tôi mừng quá! Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như quý công ty”. Ông Y thuộc diện hộ cận nghèo của xã An Lục Long, là một trong những hộ dân được Viettel huyện Châu Thành hỗ trợ viễn thông công ích trong năm 2024.
Sau khi nhận hỗ trợ viễn thông công ích, ông Nguyễn Văn Y gọi Zalo cho người thân
Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel huyện Châu Thành lập danh sách hỗ trợ khoảng 50 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện. Theo đó, người được hỗ trợ có thể lựa chọn 1 trong 3 gói cước với số lượng phút gọi và 3G miễn phí phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, VNPT huyện Châu Thành triển khai hỗ trợ viễn thông công ích cho 133 hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn huyện và dự kiến tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Đưa thông tin đến gần người dân
Bên cạnh hỗ trợ viễn thông công ích, các địa phương trong huyện còn tích cực vận động người dân hòa mạng dịch vụ Internet để dễ dàng tiếp cận thông tin với lao động, học tập, sản xuất hàng ngày. Một số hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện kết nối Internet tại nhà giúp việc tiếp cận thông tin được thuận tiện hơn.
Thuộc diện hộ nghèo, gia đình ông Nguyễn Văn Tròn (ấp Thanh Bình 2, xã Thanh Vĩnh Đông) cũng có wifi tại nhà để sử dụng. Ông Tròn cho biết, wifi do gia đình con của ông lắp đặt và chia sẻ cho ông cùng sử dụng. “Từ khi có wifi, tôi có thể gọi Zalo, tiết kiệm chi phí gọi điện thoại. Thỉnh thoảng, tôi cũng xem video, đọc tin tức trên điện thoại, những thông tin tuyên truyền qua Zalo và thấy khá tiện lợi. Mới đây, địa phương đưa tôi vào danh sách được nhận sim viễn thông công ích, có cước 3G miễn phí, phút gọi miễn phí. Nếu được như vậy nữa thì tôi mừng quá!” - ông Tròn chia sẻ.
Có wifi tại nhà, ông Nguyễn Văn Tròn (ấp Thanh Bình 2, xã Thanh Vĩnh Đông) tiếp cận thông tin một cách dễ dàng
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành - Võ Thành Thật, để thực hiện tốt việc giảm nghèo về thông tin cho người dân, ngoài chú trọng triển khai viễn thông công ích, huyện còn quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông, phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
“Các đơn vị viễn thông trên địa bàn huyện thường xuyên nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các dịch vụ viễn thông, Internet có chất lượng ổn định. Hiện toàn huyện đều có Internet cáp quang và phủ sóng mạng 4G. Trụ sở UBND xã, thị trấn, các điểm trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng cấp xã đều được lắp đặt wifi phục vụ người dân. Hệ thống loa truyền thanh được nâng cấp, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông lần lượt được đầu tư tại các địa phương trong huyện giúp người dân dễ dàng nắm thông tin tuyên truyền, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - ông Võ Thành Thật thông tin.
Riêng năm 2024, huyện Châu Thành đầu tư 5 tỉ đồng xây dựng các cụm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại các xã: Phước Tân Hưng, Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Long Trì, Hiệp Thạnh. Qua đó, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu thời gian tới.
Bên cạnh đó, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Toàn huyện có 86 tổ công nghệ số cộng đồng với 508 thành viên. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các thành viên của tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” giúp người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận công nghệ, góp phần nâng cao nhận thức, đáp ứng các nhu cầu về tiếp cận thông tin của người dân.
Việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cũng được chú trọng trong hành trình giảm nghèo thông tin tại huyện Châu Thành. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thường xuyên phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh sản xuất các tin, bài tuyên truyền về chính sách giảm nghèo: Mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo,... tạo sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo trong người dân. Trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn cũng phát huy vai trò tích cực trong việc lan tỏa thông tin. Những kết quả đã đạt trong quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như các giải pháp để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được đưa đến người dân một cách kịp thời và đa dạng về hình thức.
Thông qua hoạt động truyền thông, tuyên truyền, huyện Châu Thành giúp người dân nói chung và hộ nghèo, cận nghèo nói riêng chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, thông tin, mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng, từ đó phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Tính đến cuối năm 2023, huyện Châu Thành còn 108 hộ nghèo (0,35%) và 481 hộ cận nghèo (1,57%). Việc triển khai đa dạng các hình thức giảm nghèo thông tin góp phần giúp nâng cao nhận thức đúng, đủ về mục tiêu cũng như tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tại huyện. Thông qua việc giảm nghèo thông tin, người dân trong huyện, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn thông tin đa dạng, từng bước góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế gia đình./.
Quế Lâm