Tiếng Việt | English

28/01/2017 - 09:08

Châu Thành: Thanh long ứng dụng công nghệ cao - tiềm năng mới đang đợi chờ

Thanh long là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất thanh long theo cách truyền thống ảnh hưởng đến giá trị đầu ra và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 4-3-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành đang triển khai thực hiện 2.000ha thanh long ƯDCNC, mở ra một hướng đi mới bền vững cho nông dân huyện nhà.

Những tín hiệu vui

Những ngày này, bên cạnh niềm vui giá thanh long đang tăng dần vào dịp gần Tết Nguyên đán, 49 thành viên Hợp tác xã (HTX) Thanh long Long Trì có thêm một niềm vui nữa là 30ha thanh long của HTX được công nhận VietGAP. Những trái thanh long sạch đầu tiên được công nhận sau quá trình chăm sóc tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, bón phân.


Nhằm hoàn thành kế hoạch xây dựng 2.000ha thanh long ƯDCNC, năm 2017, huyện tăng gấp đôi kinh phí cho ngành nông nghiệp để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long. Ảnh: Dương Hoàng Hạnh

Bắt nguồn từ việc ý thức rõ sản xuất thanh long đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP là nền tảng bước đầu đưa trái thanh long tiến gần đến các thị trường khó tính, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh long Long Trì - Nguyễn Văn Vĩnh cùng Ban Giám đốc vận động các thành viên tham gia xây dựng 30ha thanh long VietGAP.

Ông Vĩnh cho biết, HTX thuê đơn vị độc lập hướng dẫn, thẩm định cho quá trình công nhận VietGAP. Ông nói: “Chúng tôi sẽ giữ vững kết quả đã đạt, cùng xã phấn đấu hoàn thành 300ha thanh long ƯDCNC theo chỉ tiêu được giao”.

HTX Thanh long Long Trì đang cố gắng mang lại lợi nhuận cho các thành viên thông qua việc cung ứng vật tư nông nghiệp, giải quyết đầu ra và hiện đại dây chuyền bảo quản trái thanh long sau thu hoạch. Bên cạnh 2 kho lạnh được đầu tư, sắp tới, HTX tiếp tục đưa vào sử dụng máy rửa thanh long do Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ một phần vốn.


Thu hoạch thanh long ở Châu Thành

Theo ông Vĩnh, đầu ra ổn định chính là yếu tố quyết định làm cho người dân tin tưởng và theo đuổi việc sản xuất thanh long theo hướng VietGAP.

Ông nói: “Chỉ khi đầu ra ổn định, thấy được lợi ích từ việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thì người dân mới ủng hộ và nhiệt tình tham gia”. Để giảm bớt một phần khó khăn về đầu ra, HTX Thanh long Long Trì ký hợp đồng cung cấp thanh long đạt chuẩnVietGAP tại thị trường Hà Nội trong thời gian tới.

Đầu ra ổn định cho trái thanh long cũng là vấn đề được Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành cũng như Sở Công Thương hết sức quan tâm. Chính quyền địa phương tạo cơ hội cho các HTX, doanh nghiệp ở địa phương tham gia xúc tiến đầu tư, hội chợ,… nhằm tìm đối tác kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng cho biết: “Lãnh đạo huyện đang nỗ lực tìm kiếm và xúc tiến đầu tư cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước chế biến các sản phẩm từ thanh long”.

Và một lộ trình tươi sáng

Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành xác định rõ, việc xây dựng mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ giúp trái thanh long có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó, sản xuất thanh long ƯDCNC cũng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ đó, huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn (trừ xã Thanh Vĩnh Đông) hoàn thành xây dựng 2.000ha thanh long ƯDCNC vào năm 2020, với mức chỉ tiêu dao động từ 100-200ha/xã, riêng Long Trì và An Lục Long là 300ha. Các diện tích được chọn sẽ ƯDCNC vào các khâu chính: Giống, canh tác, sau thu hoạch.

Theo đó, số diện tích trên sẽ được sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng tới GlobalGAP, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất: Hệ thống tưới tiết kiệm, các loại máy móc hỗ trợ nông dân trong việc xác định lượng nước, lượng phân bón cần dùng vào từng thời điểm,… giúp trái thanh long Châu Thành có cơ hội chinh phục những thị trường khó tính trong tương lai.

Nhằm xây dựng, thực hiện thành công kế hoạch, Huyện ủy, UBND huyện có lộ trình phù hợp, với sự hỗ trợ của tỉnh và sự đồng thuận của người dân địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện - Võ Thanh Hồng đánh giá, để đạt mục tiêu, vai trò của các HTX, tổ hợp tác tại các xã, thị trấn là hết sức quan trọng. Huyện rất chú trọng quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng trái thanh long an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Và các tổ hợp tác, HTX chính là đầu mối cho hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị.


Xử lý ra hoa trái vụ giúp nông dân Châu Thành có thu nhập cao

Khi triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long, chính quyền ưu tiên thí điểm tại các HTX, tổ hợp tác, sau đó mới nhân rộng theo lộ trình phù hợp.

Mới đây, hộ anh Nguyễn Văn Minh, ở ấp Long Thuận, xã Long Trì, thành viên HTX Thanh long Long Trì vừa được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho 5.000m2 thanh long. Hệ thống này góp phần tiết kiệm chi phí và công sức khi tưới nước, phân bón cho cây thanh long. Anh Minh cho biết: “Hệ thống tưới này, gia đình tôi chỉ tốn 30% chi phí đầu tư, phần còn lại do Nhà nước và phía công ty hỗ trợ. Nhờ là thành viên HTX nên tôi mới có cơ hội ứng dụng hệ thống này”. Dự kiến, trong năm 2017, huyện sẽ triển khai thực hiện công nghệ tưới nước tiết kiệm trên thanh long ở các xã Vĩnh Công, Hiệp Thạnh, Thanh Phú Long và Thuận Mỹ.

Đến năm 2020, toàn huyện Châu Thành có 2.000ha thanh long ƯDCNC, 50 hố xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 16 kho lạnh với tổng sức chứa 8.000 tấn. Từ đó, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững và phát huy được thế mạnh của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cũng cho biết thêm, nhằm hoàn thành kế hoạch xây dựng 2.000ha thanh long ƯDCNC, năm 2017, huyện tăng gấp đôi kinh phí cho ngành nông nghiệp để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long.

Nhận định rõ việc vận động làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất thanh long của người dân là việc làm cốt yếu, lãnh đạo huyện xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương và giải pháp thực hiện thanh long ƯDCNC.

Tính đến thời điểm này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai các lớp tập huấn tại 12 xã, thị trấn trên toàn huyện, với số lượng người tham gia từ 30-40 người/lớp. Từ đó, bước đầu hình thành ý thức tiến bộ trong canh tác thanh long ở người dân.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện Châu Thành có 2.000ha thanh long ƯDCNC, 50 hố xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 16 kho lạnh với tổng sức chứa 8.000 tấn. Từ đó, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững và phát huy được thế mạnh của huyện./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


cửa hàng sim lục quý 4 tại khosim.comDịch vụ vps có gpu uy tín Mua VPS Giá Rẻ Cấu Hình Cao iphone 15 lắp mạng viettel hcm Bảng giá thuê Cloud Server uy tín Nên thuê GPU ở đâu tốt và rẻ