Tiếng Việt | English

21/05/2021 - 09:11

Chính quyền điện tử - bước đột phá trong cải cách hành chính

Long An tập trung triển khai xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), góp phần làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan, chính quyền các cấp và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của chính quyền

Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, CQĐT là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT và truyền thông trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và phát triển đồng bộ. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đồng bộ cho 100% sở, ngành, huyện, xã và kết nối Internet tốc độ cao, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển KT-XH.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính là nền tảng quan trọng góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử

Song song đó, 100% sở, ngành và 15 huyện, thị xã, thành phố triển khai mạng nội bộ, thiết bị tường lửa; trên 97% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 89% công chức cấp xã được trang bị máy tính phục vụ công tác. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được nâng cấp và triển khai đồng bộ cho 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã (với trên 9.200 tài khoản đã được cấp), bảo đảm gửi, nhận liên thông 4 cấp từ Trung ương đến địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ,...

Năm 2020, Bến Lức được xếp hạng 3 của tỉnh về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp huyện. Đạt kết quả này là nhờ địa phương triển khai nhiều biện pháp ứng dụng CNTT vào công tác CCHC, xây dựng CQĐT. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, địa phương duy trì thực hiện tốt Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, công chức theo dõi tiến độ thực hiện công việc, bảo đảm thời gian, tiết kiệm chi phí, giấy tờ. Hàng năm, tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử của huyện đều tăng; văn bản phát hành điện tử đạt trên 99%. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị huyện, UBND các xã, thị trấn và cá nhân lãnh đạo phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp huyện, 15 xã, thị trấn đều ứng dụng chữ ký số,...

“Thông qua ứng dụng CNTT, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, chúng tôi có thể nộp hồ sơ qua môi trường mạng một cách nhanh, gọn, giảm được thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt, thời gian gần đây, địa phương có nhiều sáng kiến góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh từ không quá 3 ngày làm việc xuống giải quyết còn 2 ngày làm việc; lĩnh vực viễn thông từ không quá 10 ngày làm việc giảm xuống giải quyết còn 8 ngày làm việc” - bà Nguyễn Thị Bé, ngụ xã Thạnh Lợi, chia sẻ.

Xây dựng nền hành chính hiện đại

Tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp, phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, Long An luôn xác định xây dựng thành công CQĐT là một xu thế tất yếu, bước đột phá quan trọng trong CCHC.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi, hiện tỉnh tập trung triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh năm 2021 phù hợp với Kiến trúc CQĐT tỉnh 2.0 và các chương trình, kế hoạch giai đoạn của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh; tăng cường cung cấp DVCTT mức độ 3, 4, phấn đấu cung cấp ít nhất 35% DVCTT mức độ 4 gắn với triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov); triển khai Dự án Xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh giai đoạn 1 và Dự án Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh giai đoạn 1;…

Mục đích chính của xây dựng CQĐT là lấy người dân làm trung tâm, cung cấp DVCTT mức độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả; đồng thời, cải tiến môi trường, chính sách; quảng bá và cung cấp thông tin đa dạng, nhanh chóng; chất lượng phục vụ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và du khách ở mức độ cao./.

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Ở nước ta, một số tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử và mang lại hiệu quả nhất định; tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu trong cải cách hành chính.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích