Tiếng Việt | English

10/11/2020 - 16:05

Cải cách hành chính ở những xã vùng sâu

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Long An chú trọng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), xem đây là một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức

Tạo sự hài lòng của người dân

“Đến đây chứng thực hồ sơ (HS), tôi được cán bộ “một cửa” vui vẻ, hướng dẫn rất nhiệt tình. Thời gian giải quyết thủ tục nhanh, gọn giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, không phải đi lại nhiều lần hay chờ đợi lâu như trước” - ông Bùi Văn Hoàng, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, chia sẻ.

Tại bộ phận “một cửa” của xã vùng sâu huyện Tân Thạnh, các thủ tục hành chính (TTHC) được niêm yết công khai theo từng lĩnh vực. Những năm qua, văn hóa công sở được xã Nhơn Ninh duy trì, thực hiện khá tốt. Thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức xã luôn hòa nhã, nhiệt tình, niềm nở, không phiền hà, sách nhiễu; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước. Ông Nguyễn Văn Châu, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, phấn khởi: “Bộ phận “một cửa” của xã thực hiện tốt việc niêm yết, công khai thời gian giải quyết HS, mức phí, lệ phí, đường dây nóng,... giúp chúng tôi dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin khi thực hiện giao dịch HS, giải quyết công việc”.

Theo Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh - Du Đức Hùng, xác định rõ tầm quan trọng của công tác CCHC, cấp ủy, chính quyền xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai phổ biến kịp thời đến cán bộ, công chức; thường xuyên kiểm tra, giám sát tại bộ phận “một cửa”; phân công lịch tiếp công dân đối với lãnh đạo UBND xã vào các ngày làm việc trong tuần. UBND xã thường xuyên tạo điều kiện, bố trí cán bộ đi học, tập huấn nâng cao trình độ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bộ thủ tục hành chính cấp xã được niêm yết công khai theo từng lĩnh vực giúp tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin khi thực hiện giao dịch hồ sơ

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về CCHC cũng được địa phương đẩy mạnh, lồng ghép trong các cuộc họp giao ban hàng tuần, tháng; tuyên truyền, giải thích với người dân tại bộ phận “một cửa” của xã; thông tin các tài liệu về công tác CCHC qua hệ thống loa truyền thanh xã.

Đến nay, xã tiếp nhận, giải quyết hơn 1.200 HS các loại; trong đó HS giải quyết trước hẹn gần 65%. “Thời gian qua, xã đã chủ động phát phiếu thăm dò về mức độ hài lòng của người dân, đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân đối với cán bộ thực thi công vụ qua hòm thư góp ý, đường dây nóng của lãnh đạo xã. Qua đó, phản ánh, đánh giá đúng kết quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của từng cán bộ theo từng tháng, quí và năm” - ông Du Đức Hùng thông tin thêm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa công tác quản lý hành chính cũng được UBND xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng quan tâm, triển khai đẩy mạnh. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang cấp và sử dụng thường xuyên địa chỉ ICT riêng; ứng dụng hiệu quả các phần mềm: Quản lý văn bản và điều hành; phần mềm theo dõi chỉ đạo, điều hành; phần mềm một cửa điện tử; phần mềm kế toán, chữ ký số,... giúp việc xử lý, giải quyết công việc được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của cán bộ, công chức vùng sâu cơ bản đáp ứng được nhu cầu công việc (có đủ bàn ghế, hồ sơ, máy tính xách tay, máy để bàn, máy in,…). Việc tiếp nhận HS, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cũng được xã triển khai, thực hiện.

“Thông qua việc ứng dụng CNTT, phần mềm điện tử, cán bộ, công chức trên địa bàn dễ dàng trao đổi thông tin, tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân dưới dạng thư điện tử, góp phần đẩy mạnh CCHC, giảm văn bản giấy, đồng thời nâng cao tính đồng bộ của các ứng dụng giải quyết TTHC” - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận - Nguyễn Chí Thiện thông tin.

Thời gian tới, xã Vĩnh Thuận tiếp tục tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác CCHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để tổ chức, cá nhân tiếp cận nền hành chính công hiện đại, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, nhất là trên lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, nộp thuế, hộ tịch, hộ khẩu, công chứng, chứng thực,... Đồng thời, địa phương đẩy mạnh chương trình CCHC, triển khai, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử tại công sở;...

Với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương vùng sâu, vùng xa trong hoạt động CCHC, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH; làm lành mạnh, dân chủ hóa đời sống xã hội, giảm phiền hà đối với các cơ quan, doanh nghiệp và công dân./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết