Các điểm bán hàng tự phát trên tuyến đường có khu công nghiệp
Chợ tự phát mọc lên ngày càng nhiều
Giờ tan tầm, nhiều CNLĐ đổ dồn về các điểm bán hàng của chợ tự phát. Người bán, người mua tấp nập. Việc mua hàng hóa, nhất là rau, củ, thực phẩm tươi sống ở các chợ tự phát sau giờ tan làm đã trở thành thói quen của nhiều CNLĐ. Nhiều nơi, đó là lựa chọn dường như duy nhất của CNLĐ sau giờ tan làm bởi các chợ truyền thống đóng cửa sớm hoặc chưa đáp ứng nhu cầu về nhanh, tiện, đa dạng các mặt hàng, giá cả hợp lý,...
Mỗi ngày, sau khi tan làm, anh Phạm Văn Thanh Sang - CN ở trọ tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mua thực phẩm ở chợ tự phát trước Khu công nghiệp Hòa Bình. Anh Sang chia sẻ, các mặt hàng ở chợ tự phát có giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền của CNLĐ. Hơn hết, ai cũng có tâm lý mua thực phẩm ở nơi thuận tiện để nhanh về nhà chuẩn bị bữa cơm chiều rồi nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.
Khi nhu cầu mua hàng hóa của CNLĐ càng lớn thì chợ tự phát mọc lên càng nhiều. Có thể thấy, chợ tự phát phần nào giải quyết nhu cầu mua sắm của CNLĐ. Tuy nhiên, việc mua bán tràn lan dọc các tuyến đường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mất trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng do nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa bảo đảm chất lượng. Do vậy, nhiều CNLĐ lo lắng khi mua thực phẩm tại chợ tự phát.
Chị Huỳnh Thị Hồng Đào - CN Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Cần Giuộc, bộc bạch, nhiều chợ tự phát ở các khu, cụm công nghiệp bày bán những mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, dễ gây ngộ độc thực phẩm nên CNLĐ rất lo lắng. Để bảo đảm sức khỏe của người dân nói chung, CNLĐ nói riêng, tôi mong muốn các ngành chức năng có giải pháp hiệu quả hơn để quản lý tốt chợ tự phát ở các khu, cụm công nghiệp, nhất là bảo đảm chất lượng hàng hóa để CNLĐ an tâm mua sắm.
Thay đổi thói quen mua sắm
Chợ tự phát không phải là chợ theo quy định của pháp luật, do vậy, hàng hóa bày bán tại đây rất khó kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Thời gian qua, các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý, lập lại trật tự, bảo đảm an toàn giao thông và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm,... ở nơi có chợ tự phát, góp phần xây dựng nếp sống văn minh.
Ngoài ra, tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư, nâng cấp hạ tầng thương mại: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng tiện ích,... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị (4 siêu thị tổng hợp, 3 siêu thị điện máy), 125 chợ truyền thống, 282 cửa hàng tiện ích và hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh thương mại phân bố rộng khắp, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, CNLĐ. Nhiều điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Mua hàng ở nơi uy tín giúp người dân an tâm về chất lượng hàng hóa
Theo trả lời của Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trần Thanh Toản tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các Phiên chợ CN với những sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín, nhiều chương trình khuyến mại ưu đãi cho CNLĐ. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe, người tiêu dùng hãy thay đổi thói quen mua hàng, nên mua ở những nơi uy tín, có đăng ký kinh doanh, chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng,...
Các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm, tuyên truyền đến CNLĐ về an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giúp nâng cao sự hiểu biết, nhận thức trong quá trình mua hàng hóa, góp phần giảm sự phát triển của chợ tự phát.
Việc quản lý hoặc xóa sổ chợ tự phát là “bài toán khó” khi CNLĐ vẫn còn giữ thói quen mua hàng ở nơi đây. Do vậy, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, CNLĐ cần lựa chọn thực phẩm kỹ hoặc thay đổi thói quen nơi mua hàng./.
Đặng Tuấn