Tiếng Việt | English

05/01/2021 - 10:42

Cho vay nặng lãi rồi “phù phép” chuyển nhượng nhà, đất nhằm chiếm đoạt tài sản?

Thời gian gần đây, Báo Long An liên tục nhận được nhiều đơn của bạn đọc, phản ánh sự việc sau khi vay tiền nặng lãi có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của một số đối tượng, rồi bị “phù phép” chuyển nhượng nhà, đất nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khu đất hiện gia đình ông Chánh tranh chấp với bà Sương với tổng diện tích 5.368m2, tọa lạc ấp 3, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức

Khu đất hiện gia đình ông Chánh tranh chấp với bà Sương với tổng diện tích 5.368m2, tọa lạc ấp 3, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức

Mất nhà, đất do vay tiền nặng lãi

Gia đình ông Thái Quang Chánh, ngụ khu vực 2, thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - một trong những nạn nhân vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay có thế chấp GCNQSDĐ. Ông Thái và 9 anh chị em ruột trong gia đình hiện làm đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn việc hợp thức hóa chuyển nhượng nhà, đất để chiếm đoạt tài sản của bà Trần Thị Thu Sương (SN 1975), ngụ số 6, lô C, lầu 8, chung cư Nhật Lan 2, đường số 54, khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM.

Theo trình bày của ông Chánh, năm 2008, ông Thái Quang Nhường (em trai ruột ông Chánh) đã tự ý chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất đứng tên mẹ ruột là bà Trần Thị Thảnh (GCNQSDĐ số A291422) với giá 300 triệu đồng nhưng bị gia đình phát hiện và giải quyết ổn thỏa.

Tháng 3/2012, được sự đồng ý của 9 anh chị em ruột, ông Chánh cầm cố GCNQSDĐ số A291422 cho bà Trần Thị Thu Sương để vay 60 triệu đồng, lãi suất 6%, trả 3,6 triệu đồng/tháng. Đến tháng 01-2014, ông Chánh có liên hệ bà Sương lấy lại GCNQSDĐ và kết thúc hợp đồng nhưng phía bà Sương cho rằng đất đã sang tên chuyển nhượng cho người khác. Gia đình ông Chánh trình báo UBND xã Thạnh Lợi và các cơ quan chức năng nhưng vụ việc chưa được giải quyết.

“Ngày 09/4/2012, Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Bến Lức cấp trích lục bản đồ địa chính số GCNQSDĐ A291422 với nội dung là nhằm bổ túc hồ sơ chuyển quyền của mẹ ruột là Trần Thị Thảnh sang cho con là bà Trần Thị Thu Sương. Tuy nhiên, trên thực tế bà Sương không có mối quan hệ huyết thống với bà Thảnh - mẹ ruột của tôi. Việc sang tên chuyển nhượng “mờ ám”, 9 anh chị em tôi đều không hề hay biết ”- ông Chánh bức xúc.

Ngày 14/6/2012, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ do công chứng viên Võ Văn Ninh - Phòng Công chứng số 4 thực hiện, với bên A là bà Thảnh, bên B là bà Sương và người làm chứng là ông Trần Thanh Hải.

Tháng 3/2019, ông Chánh khởi kiện bà Sương đến Tòa án nhân dân huyện Bến Lức nhưng bị trả hồ sơ vì không đủ thông tin. Ngày 10/3/2020, ông Chánh tiếp tục nộp đơn khởi kiện và đang chờ đợi Tòa án nhân dân giải quyết.

Có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản?

Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức - Nguyễn Hồng Tâm cho biết, vụ việc trên do lãnh đạo thời kỳ trước giải quyết, ông mới tiếp nhận nên không nắm rõ. “Hiện trường hợp gia đình ông Chánh rất khó; mong các ngành chức năng liên quan sớm tiến hành điều tra, làm rõ, nhằm trả lại quyền lợi hợp pháp cho gia đình” - ông Nguyễn Hồng Tâm kiến nghị.

Qua xác minh, điều tra, đối chiếu sự việc, phóng viên được biết các vấn đề trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có nhiều điểm mâu thuẫn, cần phải được làm rõ: Hợp đồng được công chứng có sự xuất hiện của người làm chứng; cụ thể là ông Trần Thanh Hải, nhưng người làm chứng lại không có ký tên hoặc điểm chỉ trong hợp đồng. Trong khi đó, Điều 41 Luật Công chứng 2006 quy định: “Người yêu cầu công chứng, người làm chứng phải ký vào văn bản công chứng trước mặt công chứng viên”. Về giá chuyển nhượng QSDĐ, Bộ luật Dân sự 2005 quy định các bên được quyền thỏa thuận về giá chuyển nhượng và công chứng viên không có quyền can thiệp vào giá bán của các bên trong hợp đồng. Tính tự nguyện trong hợp đồng, theo ông Chánh thì tại thời điểm công chứng, bà Thảnh không đủ khả năng thực hiện một giao dịch dân sự vì tại thời điểm phát sinh công chứng giao dịch, bà Thảnh đã 91 tuổi, không còn minh mẫn, hỏng 1 mắt trái, nằm một chỗ, không thể ra khỏi nhà, phải có người chăm sóc. Ngoài ra, giấy chứng minh nhân dân bà Thảnh số 300373899, cấp ngày 30/01/1980 vẫn còn giá trị giao dịch dân sự?...

Theo luật sư Lê Văn Lâm - Đoàn Luật sư Long An, từ những hồ sơ, tài liệu, văn bản thì bà Trần Thị Thu Sương có dấu hiệu có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015. Về mặt khách quan, theo lời trình bày của ông Chánh thì bà Sương và cơ quan chức năng như Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Bến Lức, Phòng Công chứng đã thực hiện hành vi làm giả mạo các giấy tờ như hợp đồng chuyển nhượng, trích lục bản đồ địa chính,... để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi này xuất hiện sau khi đương sự (ông Chánh) và bà Sương đã hình thành nên hợp đồng vay tiền có tài sản bảo đảm (là QSDĐ).

Thiết nghĩ, Tòa án nhân dân huyện Bến Lức cùng cơ quan chức năng liên quan tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân theo đúng quy định pháp luật hiện hành./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết