Khi chồng có người thứ ba, một số bà mẹ chọn cách không giấu giếm con cái mà thẳng thắn trò truyện với con. Bọn trẻ có quyền biết về biến cố gia đình để điềm tĩnh đón nhận và lựa chọn thái độ sống. Thế nhưng nói với con như thế nào là điều luôn khiến người trong cuộc đau đầu.
Tuỳ tính cách của trẻ, mức độ và hành vi của người cha mà có nên thẳng thắn hay không (Ảnh minh họa)
Theo quan sát của tôi, có không ít chị chọn cách nói quá xấu, quá tệ về chồng để lôi kéo sự ủng hộ của con. Đa phần các chị mắc lỗi này, bởi... không nói thế, làm sao bọn trẻ có thể hình dung tội lỗi của ba chúng lớn cỡ nào. Các chị muốn bọn trẻ tránh xa ba, ghét với ba và đứng về phía mẹ. Trong cuộc chiến này, vì không thể thiếu đồng minh tin cậy là các con, nên có chị "phóng đại được bao nhiêu cứ phóng thôi".
Điều này đôi khi lại là con dao hai lưỡi. Với một khi đứa trẻ đã hiểu chuyện, biết nhìn nhận và phán xét sự việc, việc ba có người khác đương nhiên phần lỗi thuộc về ba, nhưng ba vẫn thương các con, tốt với con, bù đắp nhiều hơn chứ không "ác độc, máu lạnh" như mẹ nói. Nếu đứa trẻ thấy mẹ đặt điều quá đáng, chua cay, nanh nọc, trẻ lại quay sang thương xót ba, bênh vực ba, và các chị sẽ càng đau khổ.
Không những kể xấu chồng, các chị lôi luôn những gút mắc, khó khăn của nhà nội, liệt kê hết những điều không tốt đẹp của ông nội, bà nội, cô Út, bác Hai.... Điều đó vô tình ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý con cái. Con sẽ mất niềm tin, tình thương với những người ruột thịt. Chúng cô đơn, khó hòa nhập, hoài nghi tất cả…
Ngược lại, nhiều chị chọn cách né tránh sự thật và vẫn ngợi ca chồng để che mắt các con. Chồng của chị bạn tôi có "tiểu tam". Vợ chồng chị thỏa thuận không ly hôn, vẫn sống chung nhà để hai con không bị sốc. Nhưng bọn trẻ nhạy cảm, vẫn nhận biết không khí trong nhà gượng gạo, tẻ nhạt.
Chồng mua đồ ăn về nhà, chị khen ngợi "ba hiểu ý các con ghê à". Chồng về muộn (thực chất là đi với "tiểu tam"), chị nhắc con mang nước cam cho ba, nói với các con là ba bận rộn, làm việc cực nhọc…
Trước mặt các con, chị và chồng đóng vai vợ chồng êm ấm, hạnh phúc. Nhưng đóng cửa phòng, chị và chồng cãi nhau nảy lửa. Bọn trẻ nghe tiếng ồn ào, nhìn mắt sưng húp của chị đã đoán được sự việc.
Khi con gái học hành sa sút, chị bực tức mắng con: "Ba mẹ có học hành bê bết thế này đâu? Sao con dở tệ thế!". Con gái liền bật lại: "Ba giỏi lén lút cùng "tiểu tam" thì có. Mẹ thì dối gạt con. Con chán cái gia đình dối trá này". Chị nghe mà chới với.
Đóng kịch trong nhà không phải là cách hay. Chị và chồng lại là những diễn viên kém, bọn trẻ thì nhạy cảm, làm sao không nhìn ra vấn đề? Tổn thương do người thân mang đến là điều bọn trẻ rất khó tiếp nhận, vết thương ấy càng không dễ chữa lành.
Có thể thấy, nói với con thế nào về chuyện ba của chúng có người khác là không dễ. Bởi trong lòng bọn trẻ ba mẹ luôn là thần tượng, là người yêu thương chúng nhất. Một ngày, thần tượng sụp đổ, tình thương bị san sẻ cho người khác… con sẽ rất sốc.
Trẻ ngây thơ chưa từng trải sự đời sẽ mất phương hướng vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ở những đứa trẻ nhạy cảm, chúng còn dằn vặt bản thân, suy diễn mình đã phạm lỗi gì đó là nguyên nhân khiến cha mẹ không hạnh phúc.
Để con tiếp cận sự việc đến mức nào, theo cách nào tùy theo tâm tính, độ tuổi của con. Có khi phải cần đến một chuyến đi chơi xa để mẹ con trò chuyện nghiêm túc. Có mẹ nhờ một người con rất mực thân thiết, yêu quý, tin cậy để thông báo chuyện gia đình. Đôi khi phải đưa con đến chuyên gia tâm lý để nhà chuyên môn giúp con tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng hơn, có thể cân bằng tâm trạng, tránh đau buồn quá mức khi biết chuyện của cha mẹ.
Không có công thức chung nào cho mỗi gia đình, tất cả tùy thuộc vào hoàn cảnh, tính cách và sự hiểu biết của đứa trẻ. Trái tim người cha, người mẹ yêu con sẽ mách bảo điều gì là tốt nhất, ba mẹ có thể mang lại gì cho con trong lúc này? Vợ chồng không còn thương nhau nhưng tình thương với con phải luôn đầy.
Người lớn nếu yêu thương con thật sự, trước khi làm bất cứ điều gì sẽ nghĩ đến con cái. Cha mẹ không chỉ có trách nhiệm nuôi con lớn khôn, còn phải cho con đời sống tinh thần êm đềm, vui vẻ. Tương lai đứa trẻ như thế nào, tùy thuộc rất lớn vào việc hành xử của ba mẹ trước những biến cố cuộc đời./.
nld.com.vn(Theo phunuonline.com.vn)