Chóng mặt là biểu hiện thường gặp ở người cao tuổi, bệnh có thể lành tính nhưng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm khác. Chóng mặt ở người cao tuổi xảy ra ở nhiều tư thế khác nhau nhưng hay gặp nhất là khi đang nằm, đặc biệt là khi thay đổi tư thế (như khi đang nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng trái hoặc nghiêng phải). Chóng mặt là một ảo giác, người bệnh cảm thấy chung quanh hoặc bản thân xoay tròn.
Chóng mặt là sự rối loạn trạng thái giữ thăng bằng cho cơ thể trong không gian bình thường chúng ta giữ được thăng bằng nhờ các hệ thống như tai trong, hệ thống tiền đình, hệ thống thần kinh trung ương.
Chóng mặt thường kèm theo một số triệu chứng như quay cuồng, hoa mắt, ù tai rất khó chịu và trong cơn chóng mặt có thể kèm theo các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, hồi hộp, hốt hoảng, mất định hướng, muốn xỉu, ngã,... Các triệu chứng này xuất hiện bất chợt và kéo dài từ vài phút đến vài giờ tùy theo nguyên nhân gây chóng mặt. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ gấp đôi so với nam.
Chóng mặt thường gây ra bởi nhiều nguyên nhân nhưng thường gặp là do bệnh lý của tiền đình, thiếu máu não.
Tiền đình là vùng nằm sau ốc tai, là một hệ thống có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự cân bằng khi đi đứng và duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu, phản xạ các cơ và vận động thân mình nói chung.
Chóng mặt do các bệnh lý của tiền đình như tổn thương tiền đình ngoại biên, chấn thương vùng đầu, viêm mê đạo của vùng ốc tai, tắc mạch máu não vùng sau cổ, viêm dây thần kinh tiền đình, chấn thương đầu, do rượu, dùng các loại thuốc như thuốc kháng sinh họ Aminoglycosides, các nhóm thuốc chống động kinh, an thần,… Ngoài ra, bệnh lý của tiền đình còn do nhiễm khuẩn gây viêm tiền đình hoặc chấn thương gây vỡ xương đá.
Chóng mặt không do tiền đình thường gặp do các bệnh lý như bị hạ huyết áp, hạ đường huyết, động kinh, u não, đau nửa đầu. Chóng mặt do nhóm nguyên nhân này thường gặp khi người bệnh thay đổi tư thế và xảy ra ở người cao tuổi.
Vì vậy, khi tiền đình bị ảnh hưởng do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể gây ra sự rối loạn thăng bằng, rung giật nhãn cầu, buồn nôn hoặc nôn thực sự.
Bệnh lý rối loạn vận mạch do hệ thống mạch máu bị xơ vữa, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp và bệnh lý ở não như u não, u tiểu não, u dây thần kinh số 8 cũng gây nên bệnh cảnh chóng mặt.
Ngoài ra, chóng mặt ở người cao tuổi có thể gặp do ngộ độc thực phẩm bởi hóa chất, vi khuẩn hoặc liên quan đến thời tiết chuyển mùa, stress.
Các bệnh lý ở tai như nhọt ống tai, viêm tai giữa cấp tính, viêm tai tiết dịch cũng là nguyên nhân gây chóng mặt, nhất là ở người cao tuổi.
Khi bị chóng mặt, người bệnh cần nằm nghỉ, tránh thay đổi tư thế và tránh ánh sáng chói, tiếng động, ồn ào.
Bệnh chóng mặt thường xảy ra lúc nửa đêm, gần sáng hoặc khi thức giấc không ngồi dậy được với các biểu hiện như hoa mắt, choáng váng, mất thăng bằng, dễ bị té ngã, buồn nôn hoặc có thể nôn làm cho người bệnh rất khó chịu, nhất là khi thay đổi tư thế. Trong trường hợp chóng mặt do hệ thống mạch máu, người bệnh còn đau đầu, có khi đau dữ dội, liên tục.
Khi bị chóng mặt, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
-Tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc tiếp xúc với chất dị ứng, những mùi lạ gây kích thích. Thận trọng khi dùng thuốc ảnh hưởng đến tiền đình.
-Đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, nhất là trong trường hợp bị chóng mặt kéo dài.
Ngoài ra, cần tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng từ từ không vội vàng, mỗi lần tập chỉ nên kéo dài từ 5-10 phút.
-Cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, thay mỡ động vật bằng dầu thực vật nhưng không nên lạm dụng. Nếu bị tăng huyết áp thì việc sử dụng thuốc phải thường xuyên, dùng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu phải do thầy thuốc chỉ định và luôn được kiểm tra huyết áp./.
Bs Hồ Văn Cưng