Giông lốc làm sập, tốc mái nhiều căn nhà của người dân
Mưa lớn kèm giông lốc gây tổng thiệt hại trên 3,1 tỉ đồng
Thống kê từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa kèm theo giông lốc làm sập 10 căn nhà, tốc mái 140 căn nhà; ngã, đổ nhiều cây xanh, trụ đèn, trụ điện tạm, làm xiêu vẹo cột điện cố định và làm 1 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại trên 3,1 tỉ đồng.
Cơn mưa lớn kèm theo giông lốc vào chiều 08/6/2021 tại ấp Hưng Trung, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, làm sập và hư hỏng nặng 4 căn nhà. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, do mưa giông xảy ra nhanh và mạnh nên các hộ dân không kịp ứng phó. Đa số các căn nhà bị ảnh hưởng đều có kết cấu không chắc chắn nên bị gió mạnh cuốn đi phần mái hoặc xiêu vẹo.
Trước đó, ngày 05/5/2021, mưa lớn kèm giông lốc xuất hiện tại xã Hưng Hà và Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà của người dân, ước tổng thiệt hại tài sản hơn 500 triệu đồng. Trong đó, 2 căn nhà trên địa bàn xã Hưng Hà bị sập hoàn toàn, 8 căn bị tốc mái, hư hỏng nặng; 2 căn ở xã Vĩnh Châu B bị sập hoàn toàn, 3 căn và 2 công trình phụ bị tốc mái. Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND xã Hưng Hà, Vĩnh Châu B nhanh chóng có mặt tại hiện trường để hỗ trợ các hộ dân. Địa phương huy động lực lượng công an, quân sự xã và chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Trăng đến hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết: “Lãnh đạo UBND huyện cùng đại diện một số phòng, ban đã đến thăm hỏi, chia sẻ với các gia đình có nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại do thiên tai. Chúng tôi tạm ứng 2 triệu đồng cho mỗi hộ bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng yêu cầu đảng ủy, UBND các địa phương phân công các lực lượng quân sự, công an xã phối hợp các đoàn thể hỗ trợ di dời vật dụng, trang thiết bị, sửa chữa lại nhà cửa,... để các hộ dân ổn định cuộc sống”.
Cắt tỉa cây xanh nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão
Chủ động đề phòng giông lốc, sấm sét
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ nay đến cuối tháng 8, khu vực tỉnh tiếp tục ít mưa. Từ tháng 9, mưa nhiều hơn, tổng lượng mưa trong 3 tháng tới xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, khu vực có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm là các huyện phía Nam của tỉnh. Mùa mưa sẽ kết thúc muộn và rơi vào khoảng tuần giữa đến cuối tháng 11. Theo dự báo, những ngày tới, tình hình thời tiết sẽ có mưa giông xen với những ngày không mưa và nắng nóng. Các cơn mưa kèm giông lốc, sấm sét tiếp tục xuất hiện nhiều vào buổi chiều và tối.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp nhận, truyền phát các thông tin cảnh báo diễn biến khí tượng, thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để các cấp, ngành và người dân chủ động đề phòng, ứng phó kịp thời. Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình; tổ chức cắt, tỉa cành cây xanh, đề phòng lốc và gió mạnh làm ngã, đổ; hỗ trợ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà an toàn, phòng ngừa tốc mái, xiêu vẹo khi có mưa lớn, giông lốc,...
Được sự thông tin và hướng dẫn của ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa giông lốc. Bà Nguyễn Thị Lành (ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) cho biết: “Nhà tôi ở giữa đồng trống, xung quanh rất ít cây che chắn gió nên khi mưa giông rất dễ tốc mái nhà. Ngay từ mùa khô, gia đình tôi đã mua tôn để lợp lại mái nhà, đồng thời chằng chống nhà bằng dây thép để đề phòng giông lốc trong mùa mưa, bão”.
Đối với hiện tượng sấm sét, người dân cũng cần trang bị các kiến thức để phòng tránh tai nạn, bảo đảm an toàn cho bản thân. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi tỉnh - Võ Kim Thuần khuyến cáo: “Người dân nên gia cố, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cao,... để bảo đảm an toàn. Song song đó, khi xảy ra mưa giông, sấm sét, người dân cần nhanh chóng tìm nơi trú an toàn, không trú mưa dưới các gốc cây, gò cao và nơi có nước, phải tìm nơi thấp hơn để trú, tránh xa các vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột, đường dây điện, không sử dụng điện thoại, tivi, máy tính và các thiết bị điện tử khác, không đứng thành nhóm người gần nhau nhằm hạn chế nguy cơ bị sét đánh, cây ngã (lưu ý, sét thường xuyên xuất hiện cùng mưa, giông lốc),... Ngoài ra, người dân phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông nhằm kịp thời tiếp nhận các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động phòng tránh”./.
Bùi Tùng