Tiếng Việt | English

23/12/2021 - 08:32

Chủ động, linh hoạt ứng phó với mùa hạn, mặn năm 2021 - 2022

Mùa hạn, mặn năm 2020 - 2021, ngành Nông nghiệp thắng lợi “kép” vì nông dân vừa được mùa, được giá trong vụ Đông Xuân, vừa cơ bản “né” được hạn, xâm nhập mặn. Phát huy kết quả đã đạt, tỉnh Long An tích cực, chủ động, linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp góp phần thích nghi và ứng phó với mùa hạn, mặn năm 2021 - 2022.

Thắng lợi “kép” trong mùa hạn, mặn năm 2020 - 2021

Mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2020 - 2021 bắt đầu xuất hiện trên hệ thống sông Rạch Cát, sông Vàm Cỏ, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây và sông Tra từ tháng 01/2021, trễ hơn 1 tháng so cùng kỳ năm 2019 - 2020, trễ hơn nửa tháng so cùng kỳ năm 2015 - 2016. Độ mặn dao động từ 0,10 - 19,3g/l, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 - 2020 từ 0,40 - 7,50g/l; thấp hơn cùng kỳ năm 2015 - 2016 từ 0,40 - 6,90g/l và bắt đầu tăng nhanh trong những ngày giữa tháng 3, đạt đỉnh vào giữa tháng 4/2021.

Do ảnh hưởng của mưa trái mùa nên độ mặn giảm nhanh và chấm dứt mùa hạn, mặn vào cuối tháng 5/2021. Rút kinh nghiệm từ các mùa hạn, mặn năm 2015 - 2016, năm 2019 - 2020, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống từ công trình đến phi công trình nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra hạn, mặn.

Nhờ chủ động đóng các cống ngăn mặn trên Quốc lộ 62 góp phần giúp tỉnh thắng lợi “kép” trong mùa hạn, mặn năm 2020 - 2021

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Nếu như mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2015 - 2016, tỉnh có trên 110.057ha lúa, cây ăn trái, hoa màu bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại gần 200 tỉ đồng thì đến mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, toàn tỉnh còn 2.746ha lúa, cây ăn trái, hoa màu bị ảnh hưởng và thiệt hại tương đương 55 tỉ đồng. Đến mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2020 - 2021, tỉnh chỉ có khoảng 165ha bị ảnh hưởng, với tổng thiệt hại chưa đến 1 tỉ đồng. Nguyên nhân thiệt hại của mùa hạn, mặn năm 2020 - 2021 chủ yếu là do người dân không tuân thủ theo lịch khuyến cáo của địa phương, gieo sạ ngoài lịch trong thời điểm mặn lên cao, không có nguồn nước bổ sung để tưới”.

Không chỉ giảm thiệt hại trong mùa hạn, xâm nhập mặn năm 2020 - 2021, nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2020 - 2021 còn trúng mùa, được giá, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha, thậm chí từ 30 - 38 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Đôn (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) bộc bạch: “Vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, gia đình tôi canh tác hơn 2ha lúa, năng suất trên 7 tấn/ha. Nhờ tuân thủ lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên “né” được hạn, mặn. Lúa bán được giá cao, lợi nhuận 30 triệu đồng/ha”.

Linh hoạt, chủ động các giải pháp

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO trong trạng thái Lanina tiếp tục duy trì ở cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 70%; những tháng đầu năm 2022, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và Enso vẫn trong trạng thái Lanina yếu. Từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022, tổng lượng mưa ở mức phổ biến cao hơn 5 - 25% so với TBNN. Từ tháng 1 đến 3/2022, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn TBNN cùng thời kỳ do có nhiều khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022

Riêng tại Long An, mùa khô 2021 - 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn TBNN từ 10 - 20%. Mực nước đầu nguồn sông Long An chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông Long An ở mức cao hơn TBNN, nhưng khả năng không gay gắt như năm 2019 - 2020. T

heo đó, qua rà soát, đánh giá khu vực bị ảnh hưởng do hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022, toàn tỉnh có khoảng 27.117ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện: Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Thạnh, Thạnh Hóa,...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Điều kiện tự nhiên của huyện là gần biển nên nguồn nước của tất cả sông trên địa bàn huyện từ cuối tháng 11/2021 đến tháng 7/2022 đều nhiễm mặn, do vậy, huyện phải chủ động đóng các cống từ rất sớm.

Tuy nhiên, nếu mưa dứt sớm thì dẫn đến thiếu nước cục bộ tại các xã: Tân Lân, Phước Đông, Tân Ân, Phước Tuy, Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Xác định được đặc điểm trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống sớm. Đến nay, vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 của huyện bước vào giai đoạn thu hoạch; riêng đối với những địa phương trồng rau thì chủ động tích trữ nước hoặc tạm ngưng xuống giống”.

Hàng năm, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn và xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Nguyên nhân, xung quanh xã đều là nước mặn, không có nguồn nước ngọt. Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Văn Khắc cho hay: “Xã luôn khuyến cáo người dân khi nào có lịch gieo sạ của huyện mới được xuống giống. Thế nhưng, về lâu dài, xã kiến nghị các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, bởi nếu cứ trồng lúa mà năng suất thấp thì đời sống người dân cũng không được nâng lên. Cụ thể, xã kiến nghị nên tạo điều kiện cho người dân khi đến mùa hạn, mặn thì nuôi tôm nước lợ, còn đến mùa mưa thì trồng lúa hữu cơ”.

Tại huyện Cần Giuộc, đến thời điểm này, địa phương đóng các cống ngăn mặn nhằm chủ động dự trữ nước và bảo đảm chất lượng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, tổ chức vận động người dân trục vớt lục bình, phát quang cỏ, khai thông dòng chảy để tích trữ nước phục vụ sản xuất; kiểm tra hệ thống kênh, rạch để có kế hoạch nạo vét nếu bồi lắng; kiểm tra các công trình đê bao, cống ngăn mặn để sửa chữa, nâng cấp kịp thời, tránh tình trạng nước mặn rò rỉ vào nội đồng; khuyến cáo người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác và sử dụng nguồn nước hiệu quả,…

Trách nhiệm không của riêng ai

Tỉnh đạt nhiều kết quả trong công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2020 - 2021 là nhờ sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, nhất là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Dù đã đạt nhiều kết quả nhưng trước diễn biến phức tạp của thiên tai, trong đó có hạn, xâm nhập mặn nên vẫn cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, bởi đây không còn là trách nhiệm của riêng ai.

Huyện Cần Giuộc họp chuẩn bị các phương án phòng, chống hạn, mặn

Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm: Qua các đợt hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra liên tiếp trong mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020 và 2020 - 2021, tỉnh xác định phương châm hàng năm sẽ phải sống chung với hạn, mặn và phải có kế hoạch hành động phòng, chống, ứng phó với hạn, mặn cụ thể để không còn bị lúng túng, người dân có thể chủ động nguồn nước sản xuất, sinh hoạt mỗi khi đến mùa hạn, mặn. Theo đó, với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở đang tổ chức rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn phải được triển khai hoàn thành trước khi đến mùa khô hàng năm.

Đồng thời, Sở đề nghị chính quyền địa phương cấp cơ sở cần tập trung tuyên truyền, vận động để người dân gieo sạ đúng lịch, không gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước; thường xuyên liên hệ, phối hợp các cơ quan chuyên ngành theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến khí tượng, thủy văn nhằm kịp thời thông báo diễn biến độ mặn để người dân chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Về định hướng lâu dài, Long An kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh thực hiện một số dự án nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, quản lý hiệu quả nguồn nước, chia sẻ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong vùng.

Cụ thể như sớm triển khai đầu tư Dự án Kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi Bảo Định, Gò Công, Tân Trụ; đầu tư hoàn thiện các cống tại các kênh, rạch nằm cắt ngang Quốc lộ 62 (Bến Kè, Bún Bà Của, kênh 1, kênh 2, rạch Cái Tôm,...); xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ dự trữ nước ngọt trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ không có mùa lũ và xâm nhập mặn dâng cao để có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh; rà soát lại toàn bộ hệ thống kênh trục để có kế hoạch đầu tư nạo vét, tu bổ nâng cấp bờ bao, xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn, giữ nước nhằm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nhanh chóng triển khai, thực hiện Dự án Nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Long An, với tổng mức đầu tư 34,713 triệu USD (vốn vay WB là 21 triệu USD) khi được Chính phủ phê duyệt./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết