Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra cống ngăn mặn. Ảnh: Lê Ngọc
Nhiều giải pháp “né” hạn, mặn
Mùa khô năm 2020-2021, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long rất thấp; đồng thời, tình trạng triều cường dâng cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến việc xâm nhập mặn sâu vào nội đồng càng nghiêm trọng hơn. Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn trước, năm nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để né hạn, xâm nhập mặn.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh Long An ban hành khung thời vụ xuống giống vụ ĐX 2020-2021; thường xuyên đo độ mặn trên các tuyến sông để có biện pháp dự trữ nước trước khi độ mặn lên 1 gam/lít hoặc đóng các cửa cống ngăn mặn; hoàn thành 4 đập tạm trên tuyến Quốc lộ 62 để ngăn mặn; đầu tư 2 trạm bơm tại huyện Thủ Thừa để bổ sung nước khi độ mặn dưới 1 gam/lít; nạo vét 11 công trình thủy lợi nhằm khơi thông dòng chảy, dự trữ nước phục vụ sản xuất; thường xuyên cập nhật, thông báo độ mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết; thường xuyên kiểm tra các cống ngăn mặn để kịp thời khắc phục tình trạng nước mặn rò rỉ vào nội đồng, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất;...
Tỉnh đầu tư hai trạm bơm điện tại hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, Tân Trụ để chủ động bổ sung nước vào nội đồng khi độ mặn trên sông dưới 1 gam/lít
Với sự nỗ lực trên, đến nay, nguồn nước trong hệ thống thủy lợi vẫn dồi dào, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo nói: “Đợt hạn, mặn năm 2019-2020, hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ nói riêng, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh nói chung đã cạn kiệt nước từ tháng 3, trong khi độ mặn trên các sông lên đến 4 gam/lít, không thể phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mùa khô 2019-2020, Tân Trụ có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại, mất trắng, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Để chủ động ứng phó hạn, mặn trong mùa khô năm 2020-2021, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND huyện điều chỉnh lịch xuống giống vụ ĐX phù hợp với tình hình địa phương, khuyến cáo nông dân không được xuống giống sau tháng 12-2020; chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác ngắn ngày để né hạn, xâm nhập mặn và bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất. Nhờ những giải pháp trên, đến nay, huyện chưa ghi nhận diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn”.
Ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống hạn, mặn, nông dân cũng chủ động nạo vét, củng cố hệ thống kênh, mương, đê bao, làm hồ chứa nước ngọt, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong canh tác cây ăn trái: Thanh long, chanh, bưởi,... nông dân cắt bớt cành, nhánh vô hiệu trên tán cây hoặc tỉa bớt nụ hoa, trái để giảm bớt sự mất nước. Ngoài ra, nông dân còn giảm phân đạm, tăng cường bón phân hữu cơ để tăng tính giữ nước cho đất và tăng cường phun trên lá các chế phẩm như phân Humat giàu K, phân Nitrat Kali (KNO3), chế phẩm Brassinosteroid (Nyro 0,01 N), phân bón lá chứa nhiều Canxi, Silic, Mn,... giúp cây tăng đề kháng.
Hiện nay, nông dân đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn
Anh Huỳnh Hậu Tiến, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Do không chủ động được nguồn nước trong mùa khô 2019-2020 nên 10ha chanh của tôi phải chịu cảnh “khát” nước, từ đó dẫn đến một số cây bị vàng lá, kém phát triển, năng suất thấp. Bước sang mùa khô năm 2020-2021, ngoài việc đào các mương nước hay trồng cỏ giữ ẩm, tôi còn cắt tỉa cành già, bệnh; đồng thời, đầu tư mua 8 túi nhựa khổng lồ để dự trữ nước với số tiền 24 triệu đồng, mỗi túi dự trữ được 15m3. Những túi nước khổng lồ này có ưu điểm như chi phí thấp, chứa được nhiều nước, lắp đặt trên nhiều địa hình khác nhau, có thể sử dụng nhiều lần. Với những giải pháp trên, đến nay, vườn chanh của tôi phát triển tốt, chưa có tình trạng cây chết hoặc vàng lá do thiếu nước”.
Thắng lợi “kép”
Nhiều diện tích lúa ĐX 2020-2021 trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch. Không chỉ tránh thiệt hại do thời tiết cực đoan, lúa ĐX năm nay còn trúng mùa, được giá. Ông Nguyễn Văn Cai, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, cho hay: “Tôi vừa thu hoạch 1,3ha lúa ĐX, năng suất 7,7 tấn/ha. Nhờ gieo sạ đúng theo lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên “né” được hạn, mặn. Lúa bán được giá cao, lợi nhuận 38 triệu đồng/ha”.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, đến nay, tỉnh có trên 226.000ha lúa ĐX 2020-2021 chưa ghi nhận thiệt hại. Các diện tích lúa đang thu hoạch rộ với năng suất khô ước đạt 6,9 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trên 20 triệu đồng/ha, thậm chí từ 30-38 triệu đồng/ha.
Mùa khô năm 2020-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh vừa né được hạn, mặn, vừa được mùa, trúng giá trong vụ Đông Xuân
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2019-2020, ông Mai Bá Răng, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, vừa nạo vét các mương vừa đào ao tích trữ nước tưới cho 1.400 gốc thanh long. Theo ông Răng, sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, vườn thanh long bị thiếu nước tưới nên chỉ xông được một vụ đèn, trong khi thanh long xông đèn nghịch mùa sẽ bán có giá cao. Do đó, năm nay, ông đầu tư trên 10 triệu đồng để đào ao dự trữ nước. Nhờ có đủ nước tưới, ông xông đèn được 2 vụ, thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Ông Răng bộc bạch: “Bây giờ, nông dân trồng thanh long mà không đào ao dự trữ nước vào mùa khô thì chỉ xông đèn được một vụ, lợi nhuận chẳng có bao nhiêu; đồng thời, làm nông nghiệp phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật mới thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Đầu tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ có cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn, mặn. Ngay sau đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm sản xuất vụ ĐX 2020-2021 thắng lợi.
Hiện nay, nguồn nước trong các kênh nội đồng vẫn còn dồi dào, chưa có tình trạng thiếu nước
Theo nhận định của các ngành chức năng, hạn, mặn năm 2020-2021 sẽ không khốc liệt bằng hạn, mặn năm 2019-2020 nhưng lại tương đương với hạn, mặn năm 2016-2017. Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có những cơn mưa trái mùa rất lớn, góp phần giảm độ mặn trên các tuyến sông, tạo điều kiện cho các địa phương bồi nước vào nội đồng được 4 lần. Theo điều tra, dự kiến mùa khô năm 2020-2021, tỉnh có khoảng 3.000ha lúa, 4.000ha chanh thiếu nước tưới. Với sự tăng cường tiếp nước và đầu tư các trạm bơm điện cấp nước, đến thời điểm này, chưa có diện tích nào bị thiếu nước tưới.
Né được hạn, xâm nhập mặn cùng với năng suất, giá lúa tăng, chưa có diện tích nông nghiệp bị thiệt hại là thắng lợi “kép” trong đợt hạn, mặn này./.
Lê Ngọc