Để phòng, chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không mua bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm A/H5 lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm CGC. Các nghiên cứu cho thấy, virút cúm có thể lây truyền qua không khí qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm hoặc qua nước, thực phẩm nhiễm virút. Đối với người, có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
Bệnh có biểu hiện: Sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao. Hiện nay, thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh ở người chưa có. Trong khi đó, dịch CGC vẫn ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virút CGC phát triển. Vì vậy, dự báo thời gian tới, nguy cơ CGC lây sang người là cao.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng CGC, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương. Xây dựng phương án phòng, chống dịch; thường xuyên rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng, chống CGC trên người. Đồng thời, phối hợp ngành Thú y theo dõi chặt chẽ tình hình dịch cúm trên gia cầm để có biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó; tăng cường tuyên truyền về đặc điểm của dịch CGC, cách nhận biết, khai báo bệnh; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch CGC”.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện một số chủng virút CGC (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5,...) xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc đang tiềm ẩn. Vì vậy, công tác kiểm dịch y tế quốc tế và kiểm dịch động vật từ biên giới vào nội địa được chú trọng thực hiện.
Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Nguyễn Nhựt Linh chia sẻ: “Nhằm chủ động phòng, chống dịch CGC xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế; đồng thời, phối hợp Chi cục Thú y vùng VI kiểm dịch động vật, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường). Tăng cường truyền thông để người dân nâng cao nhận thức, không tham gia buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới”.
Hiện nay, thời tiết chuyển lạnh, mỗi người cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng giúp phòng bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo khi có biểu hiện bệnh cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.
Để phòng, chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
1. Không giết, mổ, sử dụng
gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân.
2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
4. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương.
5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
|
H.Hương