Công an tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại trường học
Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Gần đây, một HS nam lớp 7, Trường THCS thị trấn Thủ Thừa (cơ sở 2), huyện Thủ Thừa, bị một nhóm HS trong trường đánh và còn bị hăm dọa sẽ đánh tiếp. Biết sự việc con bị bạn đánh, sáng ngày 10/3/2021, phụ huynh dẫn theo một số người kéo vào trường làm mất an ninh, trật tự. Thậm chí, phụ huynh còn ra tay đánh 2 HS để dằn mặt vì dám đánh con mình.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thủ Thừa - Võ Văn Mười thông tin: “Dù bảo vệ và nhân viên đã ngăn cản nhưng những người này vẫn đi thẳng vào lớp và đánh một HS nữ đang học lớp 7. Sau đó, phụ huynh này tiếp tục đi qua lớp 7/8 tìm một HS nam khác và kêu con mình đánh. Sự việc lùm xùm này chỉ dừng lại khi lực lượng công an đến can thiệp”.
Cách đây vài tháng, một HS nữ học lớp 8, Trường THCS Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, bị một nhóm HS đánh. Trong clip đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, một em đã túm tóc, đè bạn nữ nằm xuống đất, liên tục tát vào mặt, đá vào bụng và có những lời lẽ rất thô tục. Vụ việc này được xác định xảy ra bên ngoài trường học. Qua clip cho thấy, có nhiều HS khác đứng xem, quay clip nhưng không ai can ngăn. Thông tin từ nhà trường, nguyên nhân xảy ra sự việc là em HS bị đánh mới từ tỉnh Đồng Nai chuyển về trong năm học 2020-2021 và có mâu thuẫn với một HS khác học cùng khối.
Có nhiều lý do dẫn đến các vụ HS gây rối, đánh nhau trong và ngoài trường, dọa đánh bạn trên Facebook, Zalo. Trong đó, có yếu tố bồng bột, bốc đồng, chưa suy nghĩ chín chắn; có gia đình thiếu sự quan tâm giáo dục, quản lý con em, phương pháp giáo dục con không đúng; có gia đình vì quá nuông chiều hoặc ngược đãi làm ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của HS, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, gây bạo lực. Mặt khác, các mặt trái trên mạng xã hội, phim ảnh bạo lực, nội dung không lành mạnh cũng tác động đến tâm sinh lý của HS.
Để phòng, chống bạo lực học đường, ngành Giáo dục tỉnh tăng cường phối hợp các cấp, các ngành, giáo dục HS hình thành kỹ năng sống; kỹ năng phòng tránh, giải quyết xung đột; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hàng ngày phát sinh trong trường học, ngoài xã hội.
Công tác phòng, chống bạo lực học đường luôn được Trường THPT Tân An quan tâm, chủ động thực hiện thường xuyên. Nhà trường phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, phụ huynh để quản lý HS, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, nói không với bạo lực học đường. Ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch và phối hợp các cấp, các ngành tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, truyền thống và những kỹ năng phòng tránh bạo lực, tệ nạn xã hội cho HS.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân An - Hồ Tấn Nhi cho biết: “Công tác giáo dục được nhà trường thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ngoài các bài học trên lớp, còn được tiến hành thông qua sinh hoạt ngoại khóa, trong lễ chào cờ, hình ảnh trực quan và các hội thi, hội diễn, tiểu phẩm, văn nghệ do nhà trường và các cấp, các ngành tổ chức”.
Một vụ học sinh đánh nhau bị quay clip đăng tải lên mạng xã hội
Tăng cường công tác phối hợp
Thông tin từ Sở GD&ĐT, hiện nay, ở 362 đơn vị, trường học đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý. Đây là nơi để HS tâm sự, chia sẻ những khó khăn, những nguy cơ bị bạo lực học đường, qua đó, nhà trường nắm bắt được kịp thời để có phương pháp, cách thức giải quyết phù hợp.
Thời gian qua, một số đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh còn tổ chức cho HS đăng ký tham gia mô hình Lớp học 3 không: Không vi phạm an toàn giao thông; không bỏ học; không đánh nhau, không nói tục chửi thề. Một số đơn vị thực hiện nhân rộng mô hình Camera an ninh góp phần quản lý HS, ngăn chặn kịp thời những vụ bạo lực học đường xảy ra trong khuôn viên nhà trường; lập hòm thư góp ý để phát động HS tham gia góp ý, tố giác những HS có biểu hiện liên quan đến vi phạm pháp luật, bạo lực học đường.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Lê Thị Song An cho biết: “Gần đây, xảy ra vụ việc phụ huynh vào trường đánh HS, Sở đã yêu cầu các đơn vị, trường học trực thuộc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trường học và đề nghị UBND huyện Thủ Thừa làm rõ để có biện pháp xử lý vụ việc. Sở cũng yêu cầu các trường học đẩy mạnh thực hiện các giải pháp và tăng cường tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục cho HS về ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện về đạo đức, kỹ năng sống”.
Phòng, chống, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục mà còn cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, gia đình. Thời gian qua, công an tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho HS ở các trường học về pháp luật; tác hại của ma túy, tệ nạn xã hội; an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực học đường; tác hại của những trò chơi bạo lực, văn hóa phẩm độc hại,... Mặt khác, Công an tỉnh phối hợp Sở GD&ĐT trong công tác bảo đảm ANTT, hàng năm đều có tổ chức sơ kết.
Sở GD&ĐT và Tỉnh đoàn phối hợp thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học. Trưởng ban Công tác thanh niên Tỉnh đoàn - Trần Quốc Quân cho biết: “Các cấp bộ Đoàn cũng rất quan tâm tổ chức sân chơi lành mạnh, giáo dục truyền thống cho các em HS, xây dựng tình bạn đẹp, văn hóa học đường. Ở khu vực địa bàn dân cư, công tác Đoàn, Đội cũng thường xuyên xây dựng hoạt động trải nghiệm thực tế cho các em sau giờ học”.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao, về phía gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các bậc phụ huynh phải luôn quan tâm giáo dục, quản lý, giám sát, không để con em mình tham gia vào tệ nạn xã hội, băng nhóm. Trong quá trình giáo dục, phụ huynh cần chủ động trao đổi với nhà trường để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của con em, phát hiện kịp thời những yếu tố dấu hiệu bất thường để có phương án xử lý phù hợp./.
Để phòng, chống bạo lực học đường, ngành Giáo dục tỉnh tăng cường phối hợp các cấp, các ngành hướng dẫn, giáo dục học sinh hình thành kỹ năng sống; kỹ năng phòng tránh, giải quyết xung đột; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hàng ngày phát sinh trong trường học, ngoài xã hội. |
Lê Đức