Tiếng Việt | English

04/05/2021 - 08:46

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh Long An được kiểm soát an toàn nhưng không vì vậy mà người chăn nuôi chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là khi mùa mưa sắp đến.

Người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh cho đàn gia cầm

Kiểm soát dịch bệnh

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 70.000 con heo, gần 130.000 con trâu, bò và 9 triệu con GC. Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 9 hộ thuộc 6 xã, các huyện: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa và TP.Tân An với tổng số heo tiêu hủy là 146 con. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh cho biết: Vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra ổ DTHCP tại 2 hộ thuộc xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng. Chi cục đã phối hợp địa phương triển khai công tác dập dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng và tiêu hủy heo theo quy định.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Ngay sau khi phát hiện bệnh DTHCP tại nhà 2 hộ dân ở ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp địa phương tiến hành tiêu hủy heo bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử, trùng tại hộ có dịch, hố chôn và các khu vực lân cận; đồng thời, tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng tại các xã xung quanh, tiến hành khoanh vùng và dập dịch. Ngoài ra, phòng phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh DTHCP tại các xã và thị trấn trên địa bàn huyện”. Ông Lê Văn Tới, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Bửu, cho biết: “Gia đình tôi có 12 con heo hơn 2 tháng tuổi. Vừa qua, biết được thông tin có bệnh DTHCP xuất hiện trên địa bàn xã, gia đình tôi theo dõi sát sao đàn heo; đồng thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất với tần suất 2 ngày/lần”.

Còn tại huyện Thạnh Hóa, mặc dù dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng với sự nguy hiểm của DTHCP (do chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị), ngành Nông nghiệp huyện tập trung triển khai các giải pháp phòng dịch. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: “Từ năm 2019 đến nay, DTHCP đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi heo trên địa bàn huyện. Hiện nay, đàn GS trên địa bàn huyện còn khoảng 19.392 con, trong đó có trên 13.000 con heo và có trên 2,6 triệu con GC. Công tác tiêm phòng và tiêu độc, khử trùng luôn được ngành Nông nghiệp huyện chú trọng thực hiện. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên GSGC của huyện cơ bản được kiểm soát tốt”.

Gia đình chị Trần Thị Huệ, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, chăn nuôi gà thịt đã nhiều năm. Hiện, gia đình chị có trên 2.000 con gà thịt. Chị Huệ cho biết: “Những năm qua, việc chăn nuôi của người dân gặp rất nhiều khó khăn: Dịch bệnh, giá con giống và thức ăn tăng, đầu ra không ổn định,... Hiện nay, những hộ chăn nuôi nhỏ như tôi chỉ nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn vì sợ gặp rủi ro, nhiều khi lại phải trắng tay”.

Tiêu độc, khử trùng để hạn chế dịch bệnh

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Cuối năm 2020, huyện Cần Đước chịu thiệt hại lớn bởi đợt dịch cúm GC H5N1 và H5N6. Do đó, ngay từ đầu năm 2021, huyện chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên GSGC. Đến nay, toàn huyện có trên 3.000 hộ chăn nuôi được cán bộ thú y xã, thị trấn hỗ trợ phun xịt thuốc sát trùng.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, chủ động trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC, huyện đã trích kinh phí từ nguồn sự nghiệp của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp mua 370 lít thuốc sát trùng và phân bổ đến từng xã, thị trấn. Công tác triển khai, thực hiện đồng loạt trong toàn huyện. Ngoài việc hỗ trợ phun thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi GC có quy mô tổng đàn từ 2.000 con trở xuống, hộ chăn nuôi heo có quy mô từ 50 con trở xuống, hộ chăn nuôi trâu, bò từ 20 con trở xuống và các chợ, điểm buôn bán GC, huyện còn tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân cùng tham gia hưởng ứng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, đặc biệt là đối với các trại chăn nuôi tập trung, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật, … nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh trên GSGC và theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi tại địa phương.

Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gia súc

Ông Võ Thanh Dũng, ngụ ấp 2, xã Phước Đông, chia sẻ: “Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, GC rất dễ mắc một số bệnh nguy hiểm. Vì vậy, tôi chủ động tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại mỗi lứa nuôi từ 2-3 đợt. Hiện, hơn 200 con vịt của tôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc -xin, bảo đảm chăn nuôi an toàn”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngay từ đầu năm 2021, công tác quản lý, giám sát dịch bệnh; đôn đốc, chỉ đạo chính quyền cơ sở và người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị trực thuộc Sở tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, Sở cũng giao trách nhiệm cho các địa phương rà soát, nắm chắc tổng đàn, thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh; tăng cường thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ và người dân, đặc biệt là người chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ GSGC; thông tin kịp thời, chính xác các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên địa bàn, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Khi phát hiện GSGC bệnh, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Làm tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành ở các địa phương; kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.

“Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng phải tăng cường thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; các cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm động vật; các cơ sở chăn nuôi để xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thú y. Từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, nhập con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học,...” - bà Khanh cho biết thêm.

Mặc dù thời gian qua, ngành Chăn nuôi tỉnh gặp không ít khó khăn nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ của ngành chăn nuôi từ tỉnh đến địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh trên GS, GC đã và đang phát huy được những hiệu quả tích cực, giúp người dân chăn nuôi an tâm và sản xuất hiệu quả./.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các ngành liên quan giám sát dịch bệnh trên GS, GC, tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng; tiêm 2.738 liều vắc-xin lở mồm long móng trên GS (heo 250 liều, dê 18 liều, trâu, bò 2.470 liều); tiêm trên 700 liều vắc-xin tai xanh; trên 43.000 liều vắc-xin dại trên chó, mèo và trên 444.000 liều vắc-xin cúm GC”.Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích