Tiếng Việt | English

05/07/2021 - 16:25

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản

Những năm qua, diện tích và sản lượng nuôi thủy sản (TS) của tỉnh Long An liên tục tăng, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước,... là những vấn đề nan giải mà ngành TS tỉnh đang rất quan tâm.

Thiệt hại trên tôm vẫn xảy ra rải rác ở nhiều địa phương

Đối với tôm nước lợ, hiện nay, tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh là 3.752,4ha (tôm sú 360ha, tôm thẻ chân trắng 3.392,4ha), bằng 53% kế hoạch (7.080ha), bằng 102,4% so cùng kỳ. Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng diện tích thiệt hại trên tôm là 224,52ha, bằng 6% so với diện tích thả nuôi và bằng 61,2% so cùng kỳ (trong đó, thiệt hại thu hoạch sớm 181,4ha, chiếm 4,8% và mất trắng 43,12ha, chiếm 1,2% so với diện tích thả nuôi). Theo đánh giá của các ngành chức năng, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều và nhiệt độ môi trường ao nuôi chênh lệch lớn, thay đổi đột ngột khiến tôm hay bị sốc nhiệt hoặc ô nhiễm nguồn nước, làm cho sức đề kháng của tôm giảm, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập.

Xã Tân Chánh là địa phương có diện tích mặt nước thả nuôi tôm tập trung của huyện Cần Đước. Những ngày qua, khi thời tiết bắt đầu giao mùa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, ao nuôi của một số hộ dân trên địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng tôm bị sốc nhiệt, gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Toàn xã Tân Chánh có hơn 940ha mặt nước nuôi TS, số lượng tôm nuôi bị thiệt hại từ đầu năm 2021 đến nay khoảng 25ha, phần lớn diện tích thiệt hại đều do yếu tố môi trường.

Anh Nguyễn Văn Cầu, ngụ ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, cho biết: “Do thời tiết thay đổi, nhiệt độ ban ngày cao nhưng ban đêm lại thấp, cùng với đó, mưa cũng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng mặt nước, con tôm bị sốc nhiệt nên chết. Tôi dự tính phủ thêm một lớp lưới lên trên diện tích ao nuôi để hạn chế nắng nóng chiếu trực tiếp xuống mặt ao”.

Còn đối với TS nước ngọt, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa,… số lượng cá thương phẩm được nuôi trong các bè, vèo, lồng và ao nuôi rất lớn. Vì vậy mà tình trạng dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi cũng thường xuyên xảy ra.

Người nuôi cá cần chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh (Ảnh TL)

Cụ thể, huyện Vĩnh Hưng có số lượng bè, vèo nuôi cá lớn và những năm qua cũng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên TS. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, trước đây, các loại dịch bệnh như lở loét, nấm da, đốm đỏ thường xuyên xảy ra trên cá nuôi, gây thiệt hại cho người dân. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, các dịch bệnh này đã giảm đáng kể, việc nuôi cá của người dân cũng có nhiều thuận lợi hơn.

Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng có 151 bè, vèo nuôi cá thương phẩm, chủ yếu là các loại cá lóc, cá trê,... năng suất bình quân đạt 960kg/bè, vèo, giá bán dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân từ 15-20 triệu đồng/bè, vèo. Ngoài ra, toàn huyện còn có 377,2ha ao nuôi tôm càng xanh, cá tra, cá lóc thương phẩm.

Anh Lê Tấn Sinh, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Hiện tôi nuôi 0,3ha cá trê. Thời gian qua, dịch bệnh trên cá có xuất hiện như bệnh lở loét, nấm da nhưng gây thiệt hại không nhiều. Bên cạnh đó, cá chết rải rác do bị sốc môi trường. Khoảng 10 ngày nữa, tôi sẽ thu hoạch, với giá 30.000 đồng/kg như hiện nay thì sẽ có lãi từ 30-40 triệu đồng”.

Những năm qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và TS tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh TS; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nhận thức được tác hại của dịch bệnh TS và chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh. Đồng thời, vận động, tuyên truyền các hộ nuôi TS trên địa bàn chủ động khai báo khi có TS bị chết nhiều, không vứt xác TS và xả nước từ ao nuôi bị bệnh chưa xử lý ra môi trường; cải tạo, quản lý ao nuôi, sát trùng các dụng cụ trước và sau khi sử dụng; sử dụng thuốc thú y và chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và TS tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn khuyến cáo: “Các hộ nuôi trồng TS cần thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và kịp thời báo cho chính quyền địa phương khi có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, các hộ cần tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá trên sách, báo hoặc thông qua Internet, chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho TS từ khâu chọn con giống đến chăm sóc và thu hoạch”./.

B.Tùng

Chia sẻ bài viết