Chú trọng tiêm phòng
Cán bộ Thú y và Khuyến nông xã Tân Bình - Phan Thọ Liêm tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm cho đàn vịt của hộ ông Trần Văn Giác
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận dịch cúm A (H5N1). Tuy nhiên, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virút cúm A (H5N1) phát triển, từ đó, nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chủ trương UBND tỉnh triển khai tiêm phòng miễn phí vắc-xin CGC trên vịt đợt 1 năm 2023 cho các hộ nuôi trên toàn tỉnh với trên 1 triệu liều vắc-xin. Đối tượng được hỗ trợ vắc-xin miễn phí là hộ chăn nuôi vịt với quy mô mỗi hộ dưới 2.000 con, trong đó, ưu tiên tiêm phòng đàn nhỏ, lẻ.
Cán bộ Thú y và Khuyến nông xã Tân Bình, huyện Tân Trụ - Phan Thọ Liêm cho biết: “Trong đợt 1, xã đăng ký 15.000 liều vắc-xin. Hiện nay, tôi trực tiếp đi tiêm vắc-xin CGC cho đàn gia cầm. Trong quá trình tiêm, tôi còn vận động người dân vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên; khi phát hiện đàn gia cầm chết phải báo ngay với ngành chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh làm lây lan dịch bệnh”.
Năm 2003, do dịch CGC, ông Trần Văn Giác (xã Tân Bình) phải tiêu hủy đàn vịt. Những năm sau đó, ông chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi. Ngoài tiêm phòng đầy đủ cho đàn vịt, ông còn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Vào mùa nắng, ông vệ sinh chuồng trại 1 lần/tuần, mùa mưa 3 lần/tuần. Nhờ vậy, đàn vịt phát triển tốt, ít bệnh.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Anh Nguyễn Minh Đài nuôi gà theo hướng an toàn sinh học
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là một trong những biện pháp phòng, chống CGC A (H5N1) hiệu quả. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp như hạn chế việc ra, vào khu vực chăn nuôi và có phương tiện sát trùng mỗi khi ra, vào; định kỳ sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; luôn sử dụng trang phục bảo hộ dành riêng và sát trùng trong quá trình chăm sóc gia cầm; tuân thủ quy định lưu hành con giống và sản phẩm gia cầm; tiêm vắc-xin phòng CGC đầy đủ và đúng kỳ hạn,...
Anh Nguyễn Minh Đài (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) là một trong những hộ nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, anh tận dụng chuồng heo cũ để nuôi gà, dùng lưới bao xung quanh vườn, tránh cho gà ra bên ngoài. Trong quá trình nuôi, anh tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho gà, phun thuốc khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi theo hướng dẫn của các ngành chức năng.
Anh Đài chia sẻ: “Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch thì sẽ bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe gia đình và người dân quanh khu vực chăn nuôi”.
Huyện Đức Hòa không phải là địa phương có đàn gia cầm lớn nhưng trước nguy cơ xâm nhập của CGC A (H5N1), các ngành chức năng chủ động lên kế hoạch kiểm tra công tác giết mổ gia cầm tại các chợ truyền thống; cán bộ thú y nỗ lực quản lý chặt chẽ gia cầm nhập vào các cơ sở giết mổ, trong đó, đặc biệt chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ; khi đủ điều kiện mới tiến hành thực hiện quy định kiểm soát giết mổ.
Ngoài ra, các ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực,... có liên quan, tiếp xúc với nguồn gia cầm bệnh, chết thì phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bằng nhiều giải pháp chủ động, tích cực, tỉnh đang thực hiện tốt công tác phòng, chống CGC A (H5N1). Hy vọng thời gian tới, tỉnh tiếp tục được sự đồng hành, hưởng ứng của người dân trong công tác phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ tài sản, sức khỏe người dân./.
Lê Ngọc