Tiếng Việt | English

26/02/2023 - 20:07

Long An: Tăng cường phòng, chống bệnh cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1)  

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1) trong và ngoài nước hiện nay, UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1)

Bệnh cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: Sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng.

Long An có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1359/UBND-VHXH, ngày 24/02/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1).

Giám đốc Sở Y tế Long An - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 7007/KH-SYT, ngày 25/11/2022 của Sở Y tế về việc phòng, chống dịch cúm A nguy hiểm (H5N1, H7N9, H5N6) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở y tế và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả;…”.

Không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân

Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh kể cả trên gia cầm và trên người, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân,...

Bệnh cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1) diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc - xin phòng bệnh cho người. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của ngành Y tế./.

Trước đó, ngày 24/02, Viện Pasteur TP.HCM ra công văn khẩn đề nghị Sở Y tế 20 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo các đơn vị/phòng, ban trực thuộc triển khai các biện pháp phòng chống cúm A/H5N1. Cụ thể: Tập trung giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn; đặc biệt, chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng có dịch; kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ người ra/vào/ở vùng có dịch cúm gia cầm A/H5N1. Đồng thời, phối hợp đơn vị kiểm dịch động, thực vật giám sát gia cầm, động vật thủy sản vào Việt Nam qua cửa khẩu và đường mòn, lối mở.

Viện Pasteur TP.HCM cho biết, theo thông tin chia sẻ từ Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan đầu mối quốc tế của Việt Nam, tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia ghi nhận 2 ca nhiễm vi rút cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1), trong đó có 1 trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh. Điều đáng chú ý là tỉnh Prey Veng có đường biên giới với Việt Nam./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết