Tiếng Việt | English

13/02/2020 - 19:27

Chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1), không để dịch chồng dịch

Bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A(H5N1) gây ra. Bệnh có biểu hiện như sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng.Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh cho người.

Tuyên truyền khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Tuyên truyền khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đầu năm 2020 đã phát hiện 1 ổ dịch cúm A(H5N1) gia cầm tại tỉnh Hồ Nam. Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động của ngành thú y cho thấy vi-rút cúm A(H5N1) đang lưu hành trên gia cầm.

Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Để ngăn chặn dịch bệnh cúm A(H5N1) bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) gây ra đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 167/TTg-NN, ngày 05/02/2020 về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm A(H5N1) bùng phát trên gia cầm và ở người.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh nCoV; khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, ngăn chặn không cho dịch vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng, chống dịch cúm gia cầm trên động vật có hiệu quả; bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi-rút cúm A(H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đồng thời, thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người.

Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A(H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; bảo đảm đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.

Quang Nguyên - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết