Tiếng Việt | English

16/07/2018 - 13:43

Chủ động phòng, chống sâu, bệnh trên lúa Hè Thu

Trước tình hình sâu, bệnh, nhất là bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có khả năng lây lan, ngành nông nghiệp chủ động phòng, chống, ngăn ngừa nhằm bảo đảm vụ lúa Hè Thu 2018 đạt hiệu quả.

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 5.270ha lúa nhiễm rầy nâu (tăng 3.440ha so với tuần trước), mật số 750-1.500 con/m2, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ tại các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường; 4.403ha bệnh đạo ôn lá (giảm 916ha so với tuần trước), trong đó có 4.352ha nhiễm 5-10%, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An; 2.483ha bệnh cháy bìa lá (tăng 249ha so với tuần trước), tỷ lệ bệnh phổ biến 10-15%, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Ngoài ra, lúa còn nhiễm: Sâu năn (470ha), sâu cuốn lá (260ha), rầy phấn trắng (250ha), bệnh đốm vằn (182ha), ngộ độc phèn (160ha), chuột (109ha), nghẹt rễ (55ha), đạo ôn cổ bông (45ha), xuất hiện trên lúa giai đoạn trổ - chín.

Địa phương thường xuyên tổ chức thăm đồng cùng nông dân chủ động chăm sóc lúa hè thu 2018

Địa phương thường xuyên tổ chức thăm đồng cùng nông dân chủ động chăm sóc lúa hè thu 2018

Ngành nông nghiệp dự báo rầy nâu gia tăng, bệnh đạo ôn lá tiếp tục giảm diện tích nhiễm do đa số diện tích lúa được phòng trừ và một số chuyển sang giai đoạn đòng trổ; tuy nhiên, bệnh sẽ gia tăng khi gặp thời tiết có mưa nhiều, ẩm độ không khí cao, đặc biệt mưa về chiều tối và đêm. Bệnh khô vằn, cháy bìa lá tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đòng trổ ở hầu hết địa phương do thời tiết hiện nay có mưa - nắng xen kẽ. Bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, nhện gié, rầy phấn trắng phát sinh rải rác trên trà lúa giai đoạn đòng trổ - chắc chín ở hầu hết các địa phương vùng Đồng Tháp Mười.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết: “Vụ Hè Thu 2018, toàn huyện gieo sạ trên 28.800ha lúa. Hiện, đang vào giai đoạn đòng - trổ, đây là giai đoạn quyết định, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa. Một số diện tích bị nhiễm: Đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, vi khuẩn,... có khoảng 200ha lúa nhiễm sâu năn. Nông dân cần thực hiện nhiều giải pháp, tạo cho cây lúa khỏe, tăng sự chống chịu khi gặp điều kiện bất lợi. Cụ thể, đối với trà lúa ở giai đoạn từ bón phân đón đòng đến trước khi lúa trổ, có thể bón thêm phân và vi lượng để tăng cường tính chống chịu, tránh đổ, ngã; nên phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt 2 lần ở giai đoạn trước và sau trổ từ 7-10 ngày bằng các loại thuốc phòng trừ vi khuẩn kết hợp thuốc đặc trị, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh. Ngoài ra, nông dân cần theo dõi thường xuyên các đối tượng gây hại khác để có các biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo vệ lúa”.

Ông Huỳnh Văn Rế (ấp Gò Cát, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) nói: “Vụ Hè Thu, nông dân thường gặp nhiều khó khăn trong sản xuất bởi đầu vụ thì nắng nóng nên lúa có nguy cơ gặp khô hạn, thiếu nước, phải tốn nhiều chi phí bơm nước. Mặt khác, thời điểm thu hoạch thường có mưa, gió khiến lúa có nguy cơ bị đổ, ngã, hư hại,... Vụ lúa Hè Thu 2018, tôi gieo sạ đúng lịch theo khuyến cáo của địa phương, áp dụng cơ giới hóa, gieo sạ đồng loạt né rầy và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao”.

Để vụ lúa Hè Thu 2018 đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, chú ý ốc bươu vàng, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn lá, ngộ độc phèn, chuột, bọ trĩ,...; tập huấn, hướng dẫn nông dân cách quản lý rầy nâu chặt chẽ nhằm hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại lúa. Riêng các địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến khí tượng - thủy văn, thiên tai, tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, tình hình sạt lở và có kế hoạch gia cố, duy tu, sửa chữa kịp thời các khu vực xung yếu để bảo vệ dân sinh và sản xuất./.

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 223.126ha (trong đó có 73.090ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ) lúa Hè Thu 2018, đạt 100,5% kế hoạch (222.000ha), bằng 100,3% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, thu hoạch 27.917ha, năng suất ước 54,2 tạ/ha, sản lượng 151.447 tấn. Lúa Thu Đông 2018, toàn tỉnh gieo sạ 21.334ha, đạt 43,9% kế hoạch (48.500ha), bằng 69,7 % so cùng kỳ năm 2017.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết