Tiếng Việt | English

29/10/2021 - 08:56

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tệ nạn 'tín dụng đen'

Nhằm phục vụ chương trình đối thoại trực tiếp của Thường trực HĐND tỉnh Long An về giải pháp ngăn chặn, xử lý tệ nạn “tín dụng đen” (TDĐ), Ban Pháp chế HĐND tỉnh Long An tổ chức các Đoàn khảo sát công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi liên quan đến cho vay nặng lãi, TDĐ tại một số địa phương trong tỉnh.

Đa dạng thủ đoạn cho vay tín dụng đen

Thủ tục hồ sơ đơn giản, duyệt nhanh, không thẩm định, không tốn phí,... là lời mời hấp dẫn đối với những người đang gặp khó khăn, cần tiền gấp để chi trả. Khi liên hệ với những cá nhân, tổ chức cho vay này, người vay có thể “nhận tiền ngay” từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng.

Thế nhưng, những hợp đồng này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít người vay đã bị “đưa vào tròng”, vừa phải trả lãi suất “cắt cổ”, vừa có nguy cơ mất trắng tài sản giá trị gấp nhiều lần so với số tiền được vay.

Hậu quả của TDĐ là nhiều người vay trở thành con nợ khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, “lãi chồng lãi”. Đến khi người vay không còn đủ khả năng chi trả, bên cho vay sẽ chiếm đoạt phần tài sản cầm cố (thường là đất đai, nhà cửa) dưới hình thức “hợp đồng ủy quyền”.

Bên cạnh đó, đối tượng cho vay còn dùng nhiều thủ đoạn như nhắn tin, gọi điện khủng bố tinh thần, đe dọa buộc con nợ hoặc người thân phải trả tiền. Đối tượng mà TDĐ nhắm đến thường là những người cần tiền để đáo hạn ngân hàng, thanh niên ham chơi, người thất nghiệp,…

Công an huyện Bến Lức phối hợp đoàn viên, thanh niên ra quân xóa các quảng cáo về cho vay lãi suất cao, tín dụng đen

Thông qua nguồn tin báo của cử tri, người dân gửi đến HĐND tỉnh, chúng tôi tiếp xúc và tìm hiểu một số trường hợp là nạn nhân của TDĐ. Anh L.V.H (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) làm công nhân với lương tháng chỉ vài triệu đồng.

Cuối năm 2019, nghe bạn bè rủ rê anh H. giấu gia đình đem 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất chung của gia đình nhưng do anh H. đứng tên) thế chấp “mượn” 500 triệu đồng để hùn vốn kinh doanh. Theo thỏa thuận, thời gian mượn là 1 năm, nếu anh H. muốn lấy lại đất thì phải trả người cho mượn số tiền lãi ít nhất 6 tháng.

Anh H. cho biết, anh vẫn đóng đầy đủ tiền lãi 3%/tháng nhưng chỉ một thời gian thì gia đình phát hiện và buộc anh phải lấy giấy tờ đất về. Để có đủ số tiền “chuộc”, gia đình phải vay mượn khắp nơi đưa cho anh H. trả nợ. Lúc liên hệ với người cho mượn tiền, anh H. mới “tá hỏa” vì đất nhà anh đã bị sang tên, đổi chủ chỉ sau 1 tháng ký giấy mượn tiền. Anh làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp với mong muốn giữ lại phần đất hương hỏa của ông bà. Được biết, phần đất này hiện có giá trị trên 3 tỉ đồng.

Việc phát hiện, xử lý còn khó khăn

Theo điều tra, phân tích của cơ quan công an, trường hợp của H. số tiền lãi không quá lớn và anh vẫn đóng lãi đầy đủ nên chưa bị đe dọa hay hành hung, khủng bố tinh thần. Tuy nhiên, bên cho mượn tiền có dấu hiệu muốn chiếm đoạt tài sản nên đã yêu cầu anh H. ký vào hợp đồng ủy quyền. Trong thời điểm hợp đồng còn hiệu lực, đối tượng đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác và gây khó dễ, không đồng ý cho anh H. chuộc lại khi được yêu cầu.

Những trường hợp tương tự anh H. bị chiếm đoạt tài sản không phải hiếm. “Do không nắm quy định của pháp luật và không đọc kỹ các điều kiện trước khi ký kết vay mượn tiền nên nhiều người vay mất trắng tài sản. Các đối tượng cho vay lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người vay để chiếm đoạt tài sản. Nhiều trường hợp dù bị phát hiện cũng rất khó xử lý” – Thượng tá Nguyễn Sơn – Trưởng Công an huyện Đức Hòa, cho biết.

Một bảng quảng cáo, chào mời của các đối tượng cho vay trên địa bàn huyện Đức Hòa

Từ kết quả khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động cho vay lãi nặng, TDĐ đã có nhiều chuyển biến, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Mặc dù vậy, việc phát hiện, xử lý các trường hợp liên quan đến cho vay lãi nặng, TDĐ còn nhiều khó khăn.

Nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi người vay bỏ trốn khỏi địa phương hoặc người vay tiền không còn khả năng chi trả và bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe thì mới trình báo cơ quan công an.

Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh, đối tượng cho vay TDĐ hầu hết là các cá nhân từ nơi khác đến, với thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ. Mặt khác, những người đi vay tiền lo sợ bị đe dọa, khống chế, khủng bố về tinh thần hoặc sợ lộ lý do không chính đáng trong việc vay tiền nên không mạnh dạn trình bày, tố giác hành vi vi phạm. Khi lực lượng công an phát hiện, mời làm việc thì người vay không hợp tác, né tránh.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không xử lý được vì “vướng” quy định. Theo điểm d, khoản 3, Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt từ 5 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng đối với hành vi cho vay lãi nặng như cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay. Do đó, không xử lý hành chính đối với hành vi cho vay dùng thủ đoạn cho vay thủ tục đơn giản (chỉ cần sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân,…).

Trên thực tế, hầu hết những người vay TDĐ đều phải hứng chịu hậu quả khôn lường. Nếu không bị mất tài sản thì cũng phải trả số tiền rất lớn so với tiền gốc và lãi suất thỏa thuận ban đầu. Cuộc sống bị xáo trộn, liên lụy đến gia đình, người thân, một số trường hợp người vay phải bán hết nhà cửa, ruộng vườn cũng không đủ để trả nợ. Vay càng nhiều thì lãi suất càng cao, khả năng chi trả càng thấp. Mặc dù vậy, nhiều người đang gặp khó khăn vẫn phải “nhắm mắt đưa chân” để rồi rơi vào “bẫy” của TDĐ.

Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn

Thông tin từ Công an tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Thời gian gần đây, xuất hiện một số cá nhân, tổ chức thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng di động (Zalo, Facebook,…) để quảng cáo cho vay trực tuyến, vay online với nhiều hình thức đa dạng hoặc các cơ sở, đối tượng núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính lén lút rải tờ rơi quảng cáo tại các khu vực tập trung đông dân cư sinh sống.

Vì vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia vào hoạt động cho vay nặng lãi để tránh “tiền mất, tật mang”. Tại các cuộc khảo sát, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh – Nguyễn Thành Vững lưu ý các địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm tình hình TDĐ trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở một số nơi, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, đây là thời điểm các đối tượng có thể lợi dụng để cho vay nặng lãi, TDĐ.

Để đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng cho vay nặng lãi, TDĐ, bên cạnh phối hợp tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, lực lượng công an trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, các biện pháp hành chính kết hợp với nghiệp vụ trinh sát; tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là nắm tình hình, rà soát để kịp thời phát hiện lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động TDĐ, các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan.

“Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Kiên quyết lập hồ sơ xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm để tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa chung. Phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động người dân tham gia phát hiện và tố giác những tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động đến TDĐ, cho vay, đòi nợ,... để cơ quan công an đấu tranh, xử lý” - Đại tá Phạm Thanh Tâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết./.

Vào lúc 9 giờ đến 10 giờ 30 phút ngày 30-10-2021 (thứ bảy), Thường trực HĐND tỉnh tổ chức chương trình đối thoại về giải pháp ngăn chặn, xử lý tệ nạn “tín dụng đen”, phát trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Trước và trong thời gian diễn ra chương trình đối thoại, cử tri và người dân nếu có phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến “tín dụng đen” có thể gửi vào hộp thư điện tử: pttdn@longan.gov.vn và pttdnlongan@gmail.com hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến số máy: (02723) 833 833/ (02723) 979997/ 0918013589.

Các nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri và người dân sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến UBND tỉnh, các ngành, địa phương có liên quan để tiếp thu, trả lời. Sau chương trình, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục phản hồi thông tin trả lời đến cử tri, người dân trên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích