Hướng dẫn sử dụng điện an toàn
Ngành Điện lực tỉnh chủ động thực hiện các phương pháp, hướng dẫn từ Tổng Công ty (Cty) Điện lực miền Nam; đồng thời, triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phòng, tránh tai nạn điện.
Ông Trần Văn Hồng, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, cho biết: “Trước đây, gia đình chưa chú trọng lắm đến việc bảo đảm an toàn điện. Điện bị hư hỏng, chúng tôi tự sửa chữa, nhiều lúc còn leo lên trụ điện để xem. Qua tuyên truyền của các cơ quan, ngành Điện lực, bây giờ, gia đình nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn điện; không tự ý thay thế đường dây, sửa chữa khi gặp sự cố như trước mà thông tin đến điện lực của địa phương để có biện pháp giải quyết phù hợp và an toàn”.
Theo Giám đốc Điện lực Tân Hưng - Lý Quốc Tâm, Điện lực nghiêm túc tổ chức các giải pháp phòng, tránh tai nạn điện theo chỉ đạo của Cty. Điện lực thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện vừa an toàn, vừa hiệu quả, tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
“Ngay từ đầu năm, Điện lực có kế hoạch phối hợp các địa phương kịp thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp dùng điện an toàn, cách để phòng, tránh tai nạn điện. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn vẫn ghi nhận một số vụ tai nạn điện đáng tiếc xảy ra. Điện lực nhanh chóng có mặt để khắc phục, xử lý kịp thời; đồng thời, khuyến cáo người sử dụng điện tuyệt đối tuân thủ các quy định, giải pháp mà đơn vị đã triển khai nhằm hạn chế các tai nạn, sự cố đáng tiếc về điện” - Giám đốc Điện lực Đức Hòa - Phan Xuân Huy thông tin.
Ngành Điện lực thực hiện các giải pháp chuyên môn để chủ động phòng, tránh tai nạn (Ảnh tư liệu)
Tăng cường truyền thông
7 tháng năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn điện, làm chết 4 người, bị thương 2 người, tăng 2 vụ so cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do thi công vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện cao áp 22kV 4 vụ, sử dụng điện sau điện kế 1 vụ (nạn nhân bị bệnh tâm thần). |
Theo Giám đốc Cty Điện lực Long An (PCLA) - Lê Hoàng Oanh, để tăng cường phòng, tránh tai nạn điện, ngay từ đầu năm, Cty xây dựng chương trình, kế hoạch về công tác ngăn chặn, giảm sự cố lưới điện, tuyên truyền và củng cố hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021. Cty tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Ban Chỉ đạo thực hiện bảo vệ HLATLĐCA. Định kỳ Điện lực kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện; thực hiện khắc phục khiếm khuyết lưới điện ngay khi phát hiện các vị trí xung yếu không bảo đảm an toàn; chặt tỉa cây xanh xử lý trước mùa mưa, bão và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện tại các đơn vị. Cty tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện, nhất là đầu tư lưới điện để xóa hộ câu phụ; kiểm tra xử lý các nhà ở, công trình vi phạm HLATLĐCA.
Trong công tác tuyên truyền, PCLA tập trung các biện pháp đề phòng tai nạn điện trong nhân dân, các quy định về bảo vệ HLATLĐCA trên website của Cty, tạo đường link đăng lên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, bản thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,... Đồng thời, PCLA còn phối hợp thực hiện các chuyên trang, chuyên đề trên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An bám sát nội dung theo kế hoạch; thực hiện tuyên truyền trong nhân dân các biện pháp đề phòng tai nạn điện, nhất là trong mùa mưa, bão, các quy định về bảo vệ HLATLĐCA trên đài truyền thanh các địa phương; phát các video clip tuyên truyền các biện pháp phòng, tránh tai nạn điện tại phòng giao dịch khách hàng, khu vực lễ tân của các điện lực.
Hiện nay, Điện lực còn tổ chức hình thức tuyên truyền trực tiếp bằng cách tổ chức kiểm tra thường xuyên lưới điện khu vực “nóng” về san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, công trình; treo 11 poster cảnh báo về HLATLĐCA. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ vi phạm HLATLĐCA để cảnh báo với chủ đầu tư, công nhân xây dựng tại công trường những giải pháp bảo đảm an toàn cho người và lưới điện.
Duy trì phối hợp
Đối với công tác phối hợp chính quyền địa phương, Điện lực xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm HLATLĐCA và an toàn điện trong sử dụng điện. Công tác này được duy trì thực hiện trong năm, cuối năm có tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất kế hoạch triển khai công tác cho năm tiếp theo. Để bảo đảm an toàn điện trong mùa mưa, bão, ngành Điện phối hợp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và kiểm tra, xử lý an toàn lưới điện hạ áp sau điện kế trên địa bàn. 7 tháng năm 2021, ngành Điện phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý được 405/646 trường hợp; tồn 241 trường hợp, điện lực tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân khắc phục các đường dây sau điện kế mất an toàn. Khi phát hiện các trường hợp xây dựng, phương tiện hoạt động vi phạm HLATLĐCA đều được ngành Điện phối hợp chính quyền địa phương lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.
“Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp, tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong mùa mưa, bão, ngành Điện nói chung và PCLA nói riêng nỗ lực bảo đảm cấp điện an toàn và liên tục để phục vụ cấp điện cho các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 và sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay, PCLA chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện kiểm tra lưới điện nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ngay các khiếm khuyết lưới điện có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa, bão và bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; tập trung nhân sự chặt tỉa nhằm ngăn ngừa cây xanh ngã vào lưới điện khi có giông lốc; tiếp tục triển khai các giải pháp ngăn ngừa sự cố lưới điện khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Đồng thời, khuyến cáo người sử dụng điện thực hiện đúng các biện pháp tăng cường phòng, tránh tai nạn điện, để việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả” - ông Lê Hoàng Oanh thông tin./.
Mùa mưa, bão đang diễn ra, người dân cần lưu ý tuân thủ các quy định về an toàn điện:
- Không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp.
- Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng công tơ, thùng cầu dao,...
- Không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện đi qua.
- Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.
- Nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập hoặc bị mưa, gió tạt làm ướt sàn.
- Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp.
- Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo,...) khi mưa to, gió lớn.
- Nên lắp cầu dao hoặc áptômát hoặc thiết bị ngắt nhanh ở phía sau điện kế, ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt nhanh dòng điện khi có chạm chập hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hỏa do điện. Sau áptômát, cầu dao tổng nên lắp đặt thiết bị chống dòng rò (chống giật).
- Tuyệt đối không sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện,...) để định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh (mái che mưa, căng dây lều bạt, làm hàng quán,...) hoặc neo đậu ghe thuyền.
- Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết; lập rào chắn khi phát hiện cột điện đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao, hồ,... và thông báo ngay cho tổng đài chăm sóc khách hàng ngành Điện để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
- Đối với đường dây hạ áp sau điện kế: Cần kiểm tra, sửa chữa lưới điện bảo đảm đúng Quy định kỹ thuật điện nông thôn ban hành theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BCN, ngày 08-12-2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Khi gặp bất cứ sự cố nào về điện hoặc nguy cơ gây ra sự cố về điện, khách hàng cần gọi ngay 19001006 hoặc 19009000 để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết.
|
Lực Nguyễn