Tranh thủ các nguồn vốn
Hàng năm, huyện đều tranh thủ các nguồn vốn: Lúa nước, chống hạn, chương trình mục tiêu quốc gia, xổ số kiến thiết, trái phiếu Chính phủ,... để đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thạnh Hóa hiện có 432 khu đê bao, phục vụ gần 22.000ha, chiếm 85% diện tích đất gieo trồng của toàn huyện. Chỉ tiêu xây dựng đê bao lửng năm 2017 cho các xã là 1.000ha. Theo đó, UBND các xã triển khai họp dân xây dựng 16 khu với tổng diện tích 1.451ha. Đến nay, xây dựng được 5 khu với tổng diện tích 505ha. Ngoài ra, người dân còn tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng 5 khu với diện tích 313ha. Như vậy, tổng diện tích đê bao xây dựng từ đầu năm 2017 đến nay là 818/1.000ha, đạt trên 81% kế hoạch.
Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp người dân giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế
Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện hoàn thành 4 trạm bơm điện và đang xây dựng 2 trạm ở ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước và kênh Bảy Chủ, xã Thạnh An. Hiện, toàn huyện có 31 trạm bơm điện đi vào hoạt động, phục vụ tưới tiêu trên 3.700ha, trong đó có 23 trạm phục vụ sản xuất lúa, 8 trạm phục vụ sản xuất khoai mỡ, khóm. Ngoài ra, huyện đang thi công 31 công trình thủy lợi (nạo vét kênh, mương nội đồng kết hợp sửa chữa bờ kênh làm đê bao), trong đó có 17 công trình thuộc nguồn vốn đầu tư của huyện, 14 công trình nguồn vốn đầu tư của tỉnh.
Huyện chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất ở các xã được chọn làm điểm (Thạnh An, Thủy Đông và Tân Tây) nhằm góp phần đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm đến năm 2020 đạt 2.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao theo chỉ tiêu tỉnh giao, chiếm gần 10% diện tích lúa của huyện.
Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Nguyễn Thanh Thinh chia sẻ: “Toàn xã có 1.116ha đất sản xuất lúa. Hiện, có 2 trạm bơm điện với 4 máy bơm, phục vụ tưới tiêu gần 100ha lúa. Thủy Đông chuẩn bị đầu tư xây dựng 2 trạm bơm điện ở ấp Voi Đình và Nước Trong theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Công trình này phục vụ trên 200ha vùng chuyên canh lúa ứng dụng công nghệ cao. Ngoài hệ thống đê bao lửng phục vụ hơn 70% diện tích đất trồng lúa, xã đang thi công khu đê bao lửng, phục vụ 125ha vùng chuyên canh khoai mỡ. Các công trình đê bao lửng kết hợp đường giao thông nông thôn giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Năm 2017, xã dự kiến nạo vét các kênh kết hợp làm đê bao và đường giao thông nông thôn: Kênh Thầy Pháp (ấp Voi Đình) và kênh 1, kênh 27, kênh 500 (ấp Đông Hòa). Các công trình này do tỉnh đầu tư xây dựng. Xã vận động người dân giải phóng mặt bằng và người dân đều đồng tình hưởng ứng, nhưng đến nay, tỉnh chỉ mới đầu tư nạo vét kênh Thầy Pháp”.
Cần sớm hỗ trợ đầu tư
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ ấp Đông Hòa, xã Thủy Đông cho biết: “Các trạm bơm điện, đê bao lửng được đầu tư giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất. Điều kiện kinh tế của người dân ở đây còn khó khăn nên việc đóng góp 60% kinh phí để xây dựng các công trình theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là quá cao. Tôi đề nghị nâng mức đầu tư của Nhà nước để người dân phối hợp thực hiện dễ dàng hơn. Ngoài ra, cấp trên sớm quan tâm nạo vét các kênh nội đồng để người dân chủ động trong sản xuất, tránh thiệt hại khi lũ về cũng như lưu thông, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng”.
Việc xây dựng các công trình thủy lợi (nạo vét kênh, mương nội đồng kết hợp sửa chữa bờ kênh làm đê bao) giúp người dân chủ động trong sản xuất
Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện các công trình trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Hiện, các trạm bơm điện đa số sử dụng dòng điện 1 pha (thay vì phải là dòng điện 3 pha) nên chưa phát huy hết công năng. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, tỉnh, ngành Điện lực có những chính sách, giải pháp để đầu tư phát triển hệ thống điện 3 pha ở địa bàn huyện. Hiện, còn một số hộ dân chưa đồng tình giải phóng mặt bằng xây dựng đê bao lửng do bị mất nhiều đất. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng để xây dựng đê bao lửng; tiếp tục gia cố đê bao, bảo vệ diện tích đất sản xuất khi lũ về”./.
Ngọc Mận