Tiếng Việt | English

05/06/2024 - 08:35

Chung tay hành động bảo vệ môi trường

Bên cạnh các giải pháp chuyên môn, các cấp chính quyền còn tổ chức nhiều chương trình, mô hình phù hợp, sát thực tế, kêu gọi cộng đồng cùng hành động vì một môi trường sạch, đẹp hơn.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt

Môi trường được cải thiện

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Long An - Nguyễn Tân Thuấn, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được quan tâm, các nhiệm vụ cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ chương trình, kế hoạch và đạt mục tiêu đã đề ra. Hệ thống các chính sách, pháp luật về BVMT liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế đã tạo lập hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước (QLNN) về BVMT.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; các đơn vị thuộc đối tượng đã tiến hành lắp đặt trạm quan trắc liên tục chất lượng nước thải để kiểm soát, từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường.

Quá trình phối hợp trong thực thi công vụ với các cấp, các ngành được tăng cường và duy trì thường xuyên; việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phát huy. Qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.

Công tác vận động, tuyên truyền chính sách, pháp luật, các mô hình thực hiện phù hợp, sát thực tế, phát huy hiệu quả đề ra, góp phần kêu gọi cộng đồng, người dân thiết thực, chung tay hành động BVMT.

Tại huyện Tân Thạnh, theo kết quả đánh giá, hiện nay, chất lượng môi trường trên địa bàn cơ bản đạt yêu cầu, chưa bị ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất. Địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động để kêu gọi người dân chủ động trong công tác BVMT.

Ông Trần Hoàng Quân (ấp Đá Biên, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: Thông qua sự tuyên truyền cùng với các hoạt động thiết thực của chính quyền các cấp, người dân nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc BVMT và tích cực tham gia. Người dân cùng các hội, đoàn thể ra quân thu gom rác thải, vệ sinh kênh, mương, trồng và chăm sóc cây xanh,...

Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thanh Trúc, công tác kiểm soát chất lượng môi trường nước mặt, không khí, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải y tế, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được quan tâm thực hiện thường xuyên. Huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra môi trường định kỳ, đột xuất nhằm hạn chế tình trạng xả chất thải trực tiếp ra môi trường, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, vấn đề rác sinh hoạt cũng còn những khó khăn nhất định. Để công tác BVMT đạt kết quả, huyện cũng kiến nghị cấp trên cần có những giải pháp mang tính bền vững trong vấn đề này.

Nhiều cách làm, mô hình phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn huyện Cần Đước, ngoài các ngành chuyên môn, hội, đoàn thể địa phương thường xuyên tổ chức thực hiện các mô hình, hoạt động,... vì mục đích chung tay giữ môi trường sạch, đẹp. Những hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao ý thức, kêu gọi cộng đồng thực hiện công tác BVMT.

Từ khi gia đình ông Nguyễn Văn Thành (ấp 5, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) tham gia cùng ngành môi trường, Hội Nông dân thực hiện ủ phân bón từ chất thải hữu cơ góp phần giảm chi phí bón phân cho cây, giảm lượng chất thải và quan trọng là giảm được tác động đến môi trường. Theo ông Thành, mô hình hay, hiệu quả thiết thực, người dân dễ dàng phối hợp thực hiện vì mục tiêu xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn.

Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Cần Đước - Phạm Thị Kim Tuyền cho biết: Ngoài giải pháp chuyên môn, địa phương lựa chọn tổ chức những mô hình sát với thực tế và dễ thực hiện để tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia BVMT: Ủ phân bón hữu cơ từ chất thải rắn đã phân loại; ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan;... Nhờ đó, môi trường trên địa bàn huyện được cải thiện tích cực.

Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì những giải pháp đã thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý môi trường các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT, đặc biệt là sự phối hợp các cấp, các ngành trong công tác quản lý môi trường ở nông thôn và các khu, cụm công nghiệp;...

Bảo vệ môi trường từ Ngôi nhà kế hoạch nhỏ

 

Bảo vệ môi trường từ Ngôi nhà kế hoạch nhỏ 

Nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của học sinh trong việc thu gom, phân loại rác thải, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên phường 6 phối hợp Liên đội Trường THCS Cần Đốt triển khai, thực hiện mô hình Ngôi nhà kế hoạch nhỏ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong vài năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước mặt có chiều hướng gia tăng tại các vị trí tiếp nhận nước thải từ khu dân cư tập trung và hoạt động công nghiệp. Nước mặt tại một số tuyến kênh, rạch nội đồng đã và đang bị ô nhiễm từ mức trung bình đến mức cao các chất hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng. Chất lượng nước ngầm có dấu hiệu giảm, chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh còn khá tốt, tuy nhiên, tại các tuyến giao thông chính, hàm lượng bụi cao hơn các khu vực khác, tiếng ồn tại một số vị trí đều xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng; ý thức về BVMT vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của người dân; ý thức trách nhiệm về BVMT của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ công tác BVMT; chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý triệt để, đôi lúc còn gây ô nhiễm môi trường;...

Để công tác BVMT đạt kết quả hơn nữa, Sở thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực, tổ chức bộ máy quản lý môi trường của đơn vị, địa phương, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác QLNN về môi trường từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về BVMT. Bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về BVMT có cơ cấu hợp lý, sắp xếp, bố trí lại số biên chế hiện có và bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể tại các cơ quan BVMT và địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về BVMT từ cấp tỉnh đến cấp xã phải được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ môi trường và các yêu cầu khác đáp ứng yêu cầu công tác QLNN về BVMT.

Ngành chức năng thường xuyên lấy mẫu kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các đơn vị

Bên cạnh đó, tăng cường về số lượng và chất lượng cán bộ quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tập huấn và bồi dưỡng để nâng cao năng lực cán bộ quản lý môi trường các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác quản lý môi trường, phối hợp công tác quản lý môi trường giữa các ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động BVMT. Chú trọng đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm bảo đảm hạn chế tác động tới môi trường và không ngừng nâng cao năng suất lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đồng thời, Sở tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho công tác BVMT; tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác BVMT; tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án BVMT, dự án bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa đầu tư BVMT, thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư BVMT;...

Sở hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ QLNN của các cơ quan QLNN về BVMT từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở theo hướng quản lý tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp hợp lý, cụ thể, rõ ràng. Sở triển khai Luật BVMT năm 2020 và các nghị định, thông tư đồng bộ, hiệu quả trong QLNN trên lĩnh vực BVMT;...

“Để nâng cao hiệu lực QLNN, chủ động đưa ra các biện pháp quản lý, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở tham mưu UBND tỉnh một số kiến nghị, đề xuất đối với Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn tại các hộ gia đình theo luật. Đề nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí từ Trung ương để tỉnh xây dựng các trạm xử lý nuớc thải tại các đô thị: TP.Tân An, thị xã Kiến Tường. Sở cũng đề nghị Bộ TN&MT tăng cường kiểm tra công tác BVMT đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ TN&MT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với việc xây dựng đơn giá thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế để các địa phương thuận lợi trong quá trình thực hiện xử lý rác thải,...” - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết