Các em hớn hở khi nhận cặp, áo phao
“Vui khỏe, an toàn, làm nghìn việc tốt”
Theo Tỉnh đoàn Long An, đây chính là chủ đề chính của hoạt động hè năm 2016. Tại lễ khai mạc hè và Tháng hành động Vì trẻ em năm nay, một trong những hoạt động không thể thiếu chính là phát huy mọi nguồn lực xã hội để chăm lo cho thanh thiếu nhi, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh hoạt động vui chơi, giải trí ở khu dân cư, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động hè, tạo môi trường rèn luyện, trải nghiệm thực tiễn, giúp thanh thiếu nhi nâng cao ý thức, phát huy năng lực, tích lũy kỹ năng xã hội để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Là một trong rất nhiều học sinh vượt khó học giỏi được nhận học bổng tại lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em và khai mạc hè năm 2016, em Nguyễn Thị Minh Thư, học sinh lớp 6/5 Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa xúc động: “Em rất vui mừng vì được nhận học bổng. Phần quà này sẽ giúp ích cho em rất nhiều trong năm học mới”.
Được biết, gia đình Minh Thư rất khó khăn. Mẹ em bị bệnh thận nhiều năm nay và không còn sức để làm việc, mọi chi phí trong gia đình phụ thuộc vào tiền công làm phụ hồ hằng ngày của ba em. Với số tiền ít ỏi kiếm được, ba Minh Thư vừa phải chăm sóc cho người vợ bị bệnh, vừa chăm lo cho em đến trường nên gia đình lúc nào cũng lâm vào cảnh túng thiếu. Sớm ý thức được hoàn cảnh của mình, Minh Thư luôn cố gắng vượt khó trong học tập. Suốt 6 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hằng ngày, sau những giờ tan trường, em thường phụ ba các công việc trong gia đình và chăm sóc mẹ bệnh.
Hay em Đinh Văn Giàu, ngụ ấp 3, xã Tân Hiệp - một trong những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chia sẻ: Nhà nghèo nên khi được nhận quà, em rất vui, có được phần quà hỗ trợ này, gia đình sẽ bớt khó khăn về chi phí học tập cho em trong năm học mới”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh-Hoàng Văn Liên và Ủy viên thường trực HĐND tỉnh-Nguyễn Ngọc Hạnh trao học bổng cho các em
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Trong Tháng hành động Vì trẻ em năm nay, các địa phương trong tỉnh tập trung vào các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông cho trẻ; chiến dịch vận động sử dụng nón bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe máy; sử dụng áo phao, cặp phao khi trẻ tham gia giao thông đường thủy,... Xây dựng, phổ biến các khẩu hiệu, thông điệp, phóng sự, video clip, tài liệu, áp phích, băng rôn,... về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Các địa phương huy động mọi nguồn lực hỗ trợ để xây dựng các công trình như: Bể bơi, khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; thăm, tặng quà, trao học bổng, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích; hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng, tư vấn tâm lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,... Đồng thời, tổ chức diễn đàn trẻ em để các em có thể đưa ra những kiến nghị, sáng kiến về phòng, chống tai nạn, thương tích; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ tranh, sáng tác thông điệp và tìm hiểu về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Các địa phương trong tỉnh huy động mọi nguồn lực hỗ trợ để xây dựng các công trình vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Ảnh: Thanh Hiểu
Trước đó, ngày 8-5-2016, tại trường Tiểu học thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, đoàn y, bác sĩ Hội Thiện nguyện TP.HCM phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đến khám bệnh và tặng quà cho 350 trẻ em ở huyện Thạnh Hóa với kinh phí gần 25 triệu đồng. Các y, bác sĩ tư vấn cho phụ huynh về cách chăm sóc sức khỏe của trẻ em, nhất là việc chăm sóc về răng, miệng.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết, những năm qua, tỉnh làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn cao, nhất là trẻ em bị tai nạn, thương tích. Ở nước ta, trung bình mỗi ngày có gần 20 gia đình chịu sự mất mát, đau thương vì sự ra đi của trẻ do tai nạn, thương tích.
Tại Long An, số lượng trẻ bị tai nạn, thương tích vẫn còn cao. Nhằm bảo đảm cho trẻ có một kỳ nghỉ hè an toàn, không bị tai nạn, thương tích, thông qua Tháng hành động Vì trẻ em gắn với hoạt động hè, các tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội hãy tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi; tổ chức cho các em ôn tập kiến thức, tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, tham gia các lớp học ngoại khóa, trang bị cho các em kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông, nhất là những trẻ sống trong môi trường sông nước.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có 367.427 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 24,72%/tổng dân số, trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi là 142.014 trẻ; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 2.644 trẻ; 635 trẻ em không nơi nương tựa, bị bỏ rơi; 1.942 trẻ em khuyết tật, tàn tật; 18 trẻ em là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được trợ cấp hằng tháng; 20 trẻ nhiễm HIV/AIDS; 23 trẻ bị xâm hại tình dục; 2 trẻ nghiện ma túy; 4 trẻ em làm việc xa gia đình và 71 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Ngoài ra, còn có 11.229 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị tai nạn, thương tích, con các gia đình nghèo,... Trước tình hình đó, hằng năm, tỉnh chỉ đạo cấp huyện can thiệp, trợ giúp những trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn cho trẻ em đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, nhất là dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6,... |
Thanh Nga