Ảnh minh họa Nguồn: internet
Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc cần sự chuyển biến từ ý thức đến hành động. Nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá, không ít các bạn trẻ hiện nay rất lười đọc sách. Các thư viện có rất ít người đọc, kể cả học sinh cũng ít đến thư viện của trường. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do các thư viện không đa dạng các đầu sách, chưa kịp thời cập nhật các sách vừa xuất bản.
Bên cạnh đó, không ít học sinh, sinh viên “ngại” nghiên cứu, tích lũy thêm kiến thức từ nguồn sách ở các thư viện, chỉ học trên những giáo trình sẵn có. Có sinh viên suốt 4 năm đại học không biết đến sự tồn tại của thư viện nhà trường, thì thử hỏi có làm giàu được kiến thức cho mình?! Hiện nay, đọc sách, báo online cũng là một hình thức được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có bạn sa vào các truyện ngôn tình với nhiều biến tướng và hệ lụy,... Không chỉ giới trẻ, không ít cán bộ, công chức, viên chức cũng hờ hững với văn hóa đọc, đây là một thực trạng.
Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng là vấn đề cần được quan tâm. Các thư viện cần đổi mới hình thức hoạt động, đa dạng các đầu sách, kịp thời cập nhật sách mới để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Đặc biệt, việc xây dựng thư viện điện tử, thư viện đạt chuẩn là yêu cầu đang được đặt ra. Bên cạnh đó, để phát triển khả năng tư duy, nghiên cứu của học sinh, sinh viên, nhà trường cần đổi mới phương pháp dạy cũng như cách kiểm tra, đánh giá để các em chủ động tìm hiểu, tích lũy kiến thức bên ngoài giáo trình cho mình.
“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015” được phát động rộng khắp nhằm nâng cao ý thức cộng đồng. Tin rằng, khi dự thảo đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng được thông qua sẽ cùng các đề án đang được thực hiện phát huy hiệu quả, góp phần khởi dựng lại văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập. Muốn xây dựng con người có nhân cách, tri thức,... đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cần lắm sự phát triển của văn hóa đọc!
Từ Nguyên