Cách đây 55 năm, vào ngày 10/8/1961, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, lần đầu tiên, quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học xuống Tây Nguyên.
Trong 10 năm (1961-1971), Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% là chất độc da cam; gần 1/4 diện tích miền Nam bị phun rải chất độc da cam; 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, 3 triệu người là nạn nhân của hóa chất độc hại này. Trong đó, Long An có 1.403 nạn nhân.
Chiến tranh đi qua hơn 41 năm nhưng những hậu quả nặng nề của thảm cảnh da cam vẫn đọng lại như vết thương sưng tấy trong đời sống của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Nhiều người sinh ra sau chiến tranh bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, bị ung thư,... do hậu quả từ chất độc da cam gây ra. Những nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu những phận đời hết sức thương tâm, nghiệt ngã; xã hội phải cưu mang, giúp đỡ.
Nước ta chọn ngày 10/8 hàng năm làm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam nhằm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi các nạn nhân. Ở Long An, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin được thành lập ở 113/192 xã, phường, thị trấn với 4.535 hội viên. Hội vận động, phối hợp các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cùng vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân đóng góp vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/đioxin.
Các cấp Hội trong tỉnh tích cực tham gia phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” nhằm nỗ lực chăm sóc, bảo vệ tốt nhất cho các nạn nhân. 6 tháng đầu năm 2016, Hội vận động và phối hợp vận động được trên 6,2 tỉ đồng chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân bằng những việc làm thiết thực như trao học bổng, hỗ trợ vay vốn, tặng nhà tình thương, xe lăn, trong đó, tặng quà trị giá 6,2 tỉ đồng,... tạo điều kiện cho nạn nhân tự lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 hàng năm nhằm đánh thức lương tri của những người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cùng quan tâm, chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam. Dịp này, còn đánh lên hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại trước những hậu quả đau thương của chiến tranh, hậu quả môi trường mà con người gây ra.
Những người Việt Nam đang sống trên mảnh đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh, từng hứng chịu hậu quả của chất độc da cam, những người có lương tâm trên thế giới hãy hướng trái tim nhân ái về những nạn nhân chất độc da cam, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau./.
Kim Quy