Tiếng Việt | English

16/06/2016 - 08:57

Chất độc da cam - Nỗi đau còn mãi

Chiến tranh lùi xa vào quá khứ, nhưng với nhiều gia đình bị nhiễm chất độc da cam thì nỗi đau vẫn còn dai dẳng, không gì có thể bù đắp nổi.

1. Chúng tôi theo chân cán bộ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đến thăm gia đình ông Phạm Văn Năm, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh.

Tại đây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông cụ già bị tật ở chân đang chăm sóc người con gái – Phạm Thị Lệ Trinh, bị bệnh tim bẩm sinh đang nằm trên giường.

Được biết, ông Năm tham gia kháng chiến, đến cuối tháng 4-1966, ông bị giặc bắn bị thương và bị bắt đưa đi tù đày. Năm 1973, sau khi được trả tự do, ông lại tiếp tục tham gia cách mạng. Sau khi hòa bình, người thương binh ¾ này tiếp tục công tác ở địa phương, giữ nhiều chức vụ như: Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh, Chủ tịch HĐND xã,… Năm 1997, ông nghỉ hưu.

Cháu Phạm Thị Mỹ Hoa, ông Phạm Văn Năm và chị Phạm Thị Lệ Trinh (từ trái qua) nương tựa nhau sống qua ngày

Sau khi lập gia đình, ông sinh được 9 người con, trong đó 2 người con bị nhiễm chất độc da cam. Hiện tại, một người đã mất khi còn nhỏ và người con gái út Phạm Thị Lệ Trinh đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh tim bẩm sinh. Cuộc sống khó khăn, vợ ông Năm bỏ đi khi cô con gái út chưa tròn 1 tuổi. Nhiều năm qua, ông luôn chịu cảnh gà trống nuôi con.

Ông Năm tâm sự: “Bây giờ, ở tuổi gần đất xa trời, điều tôi lo nhất là không ai chăm lo cho đứa con gái út nếu chẳng may tôi theo ông theo bà. Nó bị bệnh tim nên thường xuyên đau ốm. Con bé cũng có chồng nhưng không thể có con, vì bác sĩ chẩn đoán, chất độc da cam sẽ di truyền đến đời cháu. Thế nên, chồng của nó cũng bỏ nó mà đi”.

Ngoài chị Trinh đang sống cùng ông Năm, người con gái thứ 4 có chồng nhưng con sinh ra cũng mắc căn bệnh tim bẩm sinh. Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng đứa cháu ngoại - Phạm Thị Mỹ Hoa lại sà vào lòng ông nũng nịu. Thương cháu, thương con, tất cả số tiền được trợ cấp, ông để dành chạy chữa thuốc men.

Hiện tại, gia đình cháu Phạm Thị Mỹ Hoa chủ yếu sống bằng nghề làm thuê nên cuộc sống rất khó khăn. Cha cháu Mỹ Hoa chia sẻ: “Gia đình chúng tôi hy vọng xin được bảo hiểm y tế cho cháu. Có được bảo hiểm y tế, gia đình cũng đỡ khó khăn hơn; cháu sẽ thường xuyên được khám, chữa bệnh”.

2. Rời nhà ông Phạm Văn Năm, chúng tôi đến thăm nạn nhân nhiễm chất độc da cam có tỷ lệ thương tật lên đến 79%. Đó là ông Lưu Văn Tính, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh. Ông Tính cho biết, năm 1969, ông thoát ly và tham gia du kích xã Nhơn Ninh. Sau khi hòa bình, ông tiếp tục lao động, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên đau ốm. Hơn 10 năm trước, ông phát hiện mình bị bệnh xơ gan.

Tất cả sinh hoạt cá nhân, ông Lưu Văn Tính đều cần sự giúp đỡ của người thân

Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh – Võ Văn Tiến chia sẻ: “Hơn 7 tháng trước, ông Tính đi giám định tỷ lệ thương tật 79%, do ung thư gan trái nhưng chưa di căn. Vì vậy, ông được hưởng trợ cấp tỷ lệ thương tật là 79%. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau, căn bệnh tiếp tục di căn sang gan phải. Hiện tại, sức khỏe ông Tính rất yếu và phải thường xuyên đi xạ trị, vô hóa chất, tốn rất nhiều chi phí. Chúng tôi rất hy vọng các cơ quan chức năng có thể xem xét cho ông Tính giám định tỷ lệ thương tật lại để có chế độ trợ cấp phù hợp nhằm giúp ông an tâm điều trị”.

Cuộc sống 5 thành viên trong gia đình ông Tính chủ yếu dựa vào sức lao động của hai vợ chồng người con trai út và vài công ruộng. Vậy mà ông Tính lại mang căn bệnh hiểm nghèo do chất độc da cam. Nhìn những cảnh đời này, chúng tôi càng thấu hiểu hơn sự hy sinh của thế hệ trước để giành được độc lập, tự do cho dân tộc.

Hưởng ứng hoạt động kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961- 10-8-2016), chúng tôi hy vọng các cấp, các ngành cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; mà trước hết, hãy giúp đỡ gia đình ông Tính, ông Năm để họ có cuộc sống ổn định và an tâm điều trị. Qua đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết