Ứng dụng hệ thống robot xếp gạch giúp Công ty TNHH MTV Thuận Lợi Mộc Hóa tăng đến 250% sản lượng sản xuất và bốc xếp gạch
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Trên cơ sở nhu cầu đăng ký của các địa phương và nguồn vốn từ Chương trình khuyến công được phân bổ hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức xét chọn và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện các đề án khuyến công. Sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ để hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Công ty (Cty) TNHH MTV Thuận Lợi Mộc Hóa (xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) chuyên sản xuất gạch tuynel phục vụ thị trường xây dựng. Theo Giám đốc Cty - Võ Văn Lợi, hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đòi hỏi phải đáp ứng theo hướng bền vững, có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cty Thuận Lợi Mộc Hóa cũng dần tiến tới loại bỏ công nghệ sản xuất lạc hậu; đồng thời, đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và xuất khẩu. Thời gian qua, Cty tìm hiểu và đầu tư hệ thống robot xếp gạch nhằm tối ưu quá trình sản xuất, đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường.
Qua quá trình tìm hiểu và khảo sát, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ Cty Thuận Lợi Mộc Hóa xây dựng Đề án “Hỗ trợ ứng dụng robot xếp gạch trong dây chuyền sản xuất gạch”. Đây là đề án khuyến công sử dụng nguồn kinh phí địa phương, tổng kinh phí thực hiện khoảng 1,75 tỉ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 250 triệu đồng, phần còn lại do Cty đóng góp. Khi ứng dụng hệ thống robot xếp gạch giúp Cty tăng đến 250% sản lượng sản xuất và bốc xếp gạch. Đồng thời, robot giúp Cty giảm 90% nhân công bốc xếp và tham gia sản xuất, giảm 80% gạch đổ vỡ và hư hại so với sử dụng nhân công truyền thống.
Theo ông Võ Văn Lợi, công suất thiết kế của nhà máy có thể sản xuất tối đa 150.000 viên gạch/ngày. Tuy nhiên, do thị trường có nhiều nguồn gạch, cạnh tranh nên bình quân Cty chỉ sản xuất, bán ra từ 2-3 triệu viên gạch/tháng. Thị trường tiêu thụ ở địa bàn huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường,... Khi đưa robot vào sản xuất, Cty giảm chi phí đầu vào, đầu ra trong quá trình sản xuất và dễ cạnh tranh trên thị trường.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Hộ kinh doanh Kim Thoa do bà Trần Thị Kim Thoa làm chủ (ấp 5, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) chuyên sản xuất, kinh doanh kẹo khóm. Đây cũng là đề án khởi nghiệp của gia đình bà. Theo bà Kim Thoa, Tân Tây là xã chuyên canh trồng khóm, riêng ấp 5 có 325ha khóm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất kẹo khóm.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bánh, kẹo sản xuất từ các nhà máy lớn, kẹo khóm sản xuất thủ công khó có thể cạnh tranh. Với suy nghĩ này, gia đình bà mạnh dạn đầu tư trang thiết bị sản xuất, gồm: Máy sên kẹo, máy cán, cắt và đóng gói. Máy sên kẹo có thể điều chỉnh tốc độ sên. Máy cán và cắt với độ dày, giúp kích thước sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu. Máy đóng gói có thể điều chỉnh nhanh, chậm từ 50-150 túi/phút.
Để khuyến khích hộ kinh doanh áp dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh khảo sát, nắm bắt thông tin và thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền sản xuất kẹo khóm”. Đề án được thực hiện với kinh phí 256 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 125 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng đóng góp của gia đình bà Kim Thoa. Bên cạnh nguồn vốn khuyến công, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa cũng hỗ trợ kinh phí để hộ kinh doanh này thực hiện thiết kế, gia công bao bì, đăng ký mã QR cho sản phẩm.
Sản xuất kẹo khóm trên dây chuyền đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng
Sản xuất kẹo khóm trên dây chuyền giúp gia đình bà Kim Thoa đỡ tốn nhân công và sản phẩm làm ra đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Xuân Hảo, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa, kẹo khóm kỳ vọng sẽ tạo nên thương hiệu mới cho Tân Tây, giúp đa dạng hóa sản phẩm và được tiêu thụ rộng khắp, nhất là cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp lớn.
Hiện kẹo khóm do gia đình bà Kim Thoa làm ra được đặt tên Kim Thoa và được các đơn vị liên quan xây dựng thành sản phẩm OCOP. Sản phẩm đang được chào bán tại nhiều địa phương thông qua đại lý, cửa hàng tạp hóa trong và ngoài tỉnh. Hiện Sở Công Thương xúc tiến, giới thiệu vào các chuỗi cung ứng của DN bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động khuyến công đã và đang thu hút nhiều DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới. Đồng thời, chương trình cũng thu hút lượng lớn vốn đối ứng của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, mang lại lợi ích cho đơn vị sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh - Trần Thanh Toản
|
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh - Trần Thanh Toản cho biết, các nội dung hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ để hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động khuyến công đã và đang thu hút nhiều DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới. Đồng thời, chương trình cũng thu hút lượng lớn vốn đối ứng của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, mang lại lợi ích cho đơn vị sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn./.
10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85.936 tỉ đồng
Thông tin từ Sở Công Thương, sức mua của thị trường bán lẻ tiếp tục tăng trưởng, cho thấy những tín hiệu tích cực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2022 đạt 8.011 tỉ đồng, tăng 3,64% so với tháng trước, tăng 15,98% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85.936 tỉ đồng, tăng 23,49% so cùng kỳ, đạt 89,15% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 57.140 tỉ đồng, tăng 20,13% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 5.390 tỉ đồng, tăng 29,41% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 23.405 tỉ đồng, tăng 31,05% so cùng kỳ.
Hiện nay, Sở Công Thương tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trên lĩnh lực ngành Công Thương, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, kết nối đưa sản phẩm hàng hóa vào kênh phân phối bán lẻ. Các hoạt động khác cũng được thực hiện như kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước với các sàn thương mại điện tử nước ngoài lớn, có uy tín. Đồng thời, đơn vị cũng theo dõi, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; duy trì và phát triển tốt mạng lưới thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt và thông tin, khuyến cáo đến các địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan về những biến động của thị trường.
|
Mai Hương