Tiếng Việt | English

09/04/2024 - 08:30

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả

Những năm qua, trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều nông dân trong tỉnh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm mà nhiều nông dân đã thành công, mang lại thu nhập cao cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chung (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) cho biết, cà chua sẽ thu hoạch sau khi trồng từ 70-75 ngày và có giá dao động từ 10.000-25.000 đồng/kg


Tái cơ cấu và phát triển nền nông nghiệp bền vững

Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Long An, năm 2023, tổng diện tích cây trồng được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ngắn ngày là hơn 3.222ha, chủ yếu dưa hấu, mè, rau màu các loại,... So với trồng lúa, việc chuyển đổi này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, điển hình như dưa hấu lợi nhuận trung bình từ 20-50 triệu đồng/ha/vụ, rau màu các loại lợi nhuận trung bình từ 30-40 triệu đồng/ha/vụ. Đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây lâu năm, trong năm 2023, diện tích chuyển đổi là hơn 2.230ha, chủ yếu là chanh, sầu riêng, mai,... Các cây trồng này đều mang lại lợi nhuận từ 20-150 triệu đồng/ha/năm.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Trần Quốc Quân thông tin: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Đặc biệt, hạn chế được tình trạng hoang hóa đất, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng nông sản lớn, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”.

Để khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, định hướng của Nhà nước về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương để nhân rộng; khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đồng thời, Hội cũng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền giúp nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang tổ hợp tác, hợp tác xã,... Ngoài ra, Hội còn chỉ đạo các Hội cơ sở phối hợp lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

"Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Đặc biệt, hạn chế được tình trạng hoang hóa đất, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng nông sản lớn, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Trần Quốc Quân

Mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân

Nhận thấy việc trồng lúa không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước, ông Huỳnh Ngọc Phúc (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chuyển đổi sang trồng chanh không hạt . Ban đầu, do chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm nên ông gặp không ít khó khăn. Nhờ học hỏi từ những người trồng trước và phương tiện truyền thông đại chúng, đến nay, 1ha chanh không hạt của ông đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Mô hình trồng chanh không hạt của ông Huỳnh Ngọc Phúc (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) giúp gia đình ông nâng cao thu nhập

Đồng thời, để có thêm kiến thức và kỹ thuật chăm sóc cây chanh không hạt, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ Hội Nông dân xã An Thạnh. Theo ông Phúc, chanh không hạt là loại cây dễ trồng và chăm sóc, vốn đầu tư không quá cao. Tuy nhiên, trước khi trồng cần làm đất tơi xốp, cho vôi, phân chuồng vào hố trồng, phun thuốc xử lý vi khuẩn có trong phân chuồng.

Cây chanh không hạt trồng khoảng 1,5 năm là có thể thu hoạch đợt đầu. Để bảo đảm cây chanh có chất lượng trái cao, khoảng 5-6 năm, ông sẽ phá bỏ để trồng lại. Ông Phúc chia sẻ: “Cây chanh không hạt cho trái quanh năm, chỉ cần chăm sóc tốt, tưới nước, bón phân đầy đủ. Trái chanh to và năng suất cao nhất là khi cây 3-4 năm tuổi”.

Vườn chanh không hạt của ông Phúc mỗi tháng thu hoạch một lần, năng suất từ 1,5-2 tấn/tháng. Tùy theo thời điểm, giá chanh dao động từ 10.000-25.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm, ông thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Trước đây, do trồng lúa không đạt hiệu quả như mong đợi, ông Nguyễn Văn Chung (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại rau màu. Nhờ vậy đã mở ra một cơ hội mới cho gia đình ông vươn lên làm giàu.

Theo ông Nguyễn Văn Chung (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An), từ tháng 9 đến cuối tháng 12 (Âm lịch) là thời điểm phù hợp nhất để trồng cà chua

Với gần 26 năm kinh nghiệm trồng các loại rau màu, theo ông Chung, tùy từng loại sẽ có kỹ thuật và kinh nghiệm riêng để rau đạt năng suất cao. “Đối với trồng rau, việc lên liếp đóng vai trò quan trọng, cần đậy liếp bằng màng phủ để hạn chế các loại côn trùng gây hại, ngăn ngừa cỏ dại, giữ phân bón, hạn chế độ phèn, mặn,... Mùa mưa cần bơm nước ra, tránh tình trạng nước ngập lên liếp gây ngập úng, mùa khô thì bơm nước vào để bảo đảm giữ được độ ẩm” - ông Chung chia sẻ.

Tùy theo mùa, thời tiết và nhu cầu thị trường, ông Chung sẽ chọn loại rau màu phù hợp để tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”. Ông thường trồng xen canh cà chua, khổ qua, dưa leo, bắp cải,... Hiện tại, với 0,7ha đất, ông chia ra trồng cà chua và dưa leo. Sau khi thu hoạch hết vụ sẽ chuyển sang trồng loại rau màu khác để tránh tình trạng suy giảm độ phì nhiêu của đất và giảm nguy cơ sâu, bệnh gây hại.

“Khi trồng các loại rau màu, tôi thu được lợi nhuận nhiều hơn so với trồng lúa. Cao nhất có vụ thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, nhờ “lấy công làm lời” và hạn chế tối đa việc thuê nhân công, chỉ trừ những lúc thu hoạch” - ông Chung nói.

Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh, thủ tục để chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác trong nghị định quy định đơn giản nhưng trên thực tế thực hiện lại khó khăn, nhiều địa phương còn lúng túng và chưa mạnh dạn cho phép chuyển đổi. Bên cạnh đó, quy định về định mức lấy tầng đất mặt để chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với thực tế. Hội Nông dân tỉnh sẽ kiến nghị những vấn đề này nhằm tháo gỡ, giúp nông dân thuận lợi hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình./.

Khánh Duy - Thu Thảo

Chia sẻ bài viết


Thế giới Cây và hoa Việt Nam