Tiếng Việt | English

25/09/2024 - 14:27

Chuyển đổi số là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An xác định chuyển đổi số (CĐS) là nền tảng, động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH. Thời gian qua, UBND huyện lãnh đạo triển khai, thực hiện CĐS, được sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đạt nhiều kết quả phấn khởi.

Chú trọng thông tin, tuyên truyền và thể chế số

Thông tin từ UBND huyện Bến Lức, trong quá trình thực hiện CĐS, huyện chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS. UBND huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ trì phối hợp các cơ quan khác thực hiện thông tin, tuyên truyền.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS được UBND huyện quan tâm thực hiện như thông qua các tin, bài tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử huyện, mạng xã hội (Facebook - Bến Lức Anh hùng, kênh ZOA Thông tin huyện Bến Lức).

Trang Facebook - Bến Lức Anh hùng

Công tác thông tin, tuyên truyền được huyện thực hiện rộng rãi, phong phú với nhiều nội dung, hình thức phù hợp. Trong đó, huyện tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính. Đối với các cơ quan nhà nước, gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các phòng, ban huyện, UBND các xã, thị trấn, tập trung quán triệt nội dung trọng tâm của các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về CĐS, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Qua đó, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong huyện quan tâm nghiên cứu, am hiểu, tích cực khai thác và chủ động hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, nền tảng số, dịch vụ số do cơ quan nhà nước cung cấp.

Bên cạnh đó, huyện tập trung tuyên truyền về CĐS đến người dân, doanh nghiệp (DN). Qua đó, nhận thức CĐS trong xã hội có nhiều chuyển biến, DN, người dân trên địa bàn huyện nắm rõ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện về CĐS, phát triển CĐS và bảo đảm an toàn thông tin mạng, kiến thức, kỹ năng cần thiết sử dụng các nền tảng, công cụ kỹ thuật số.

Hiện nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp các cơ quan chuyên môn xây dựng chuyên mục CĐS, được phát thanh tuyên truyền hàng tuần trên hệ thống đài, trạm truyền thanh từ huyện đến cơ sở.

Cụ thể, ở cấp huyện phát thanh vào chiều thứ ba và sáng thứ tư hàng tuần; cấp xã, thị trấn mỗi tuần có chuyên mục CĐS từ 3-5 phút. Phòng Văn hóa và Thông tin sử dụng các bảng tin điện tử công cộng, màn hình LED, LCD tại trụ sở các cơ quan nhà nước, Trung tâm Hành chính công huyện để tuyên truyền.

Kết quả, cấp huyện tuyên truyền theo chủ đề liên quan đến CĐS từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024 như công tác xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số (68 lượt tin, bài); tuyên truyền về chính sách thương mại điện tử, chính sách thuế, thủ tục đăng ký kê khai, nộp thuế thông qua các giao dịch điện tử, hệ thống cơ sở hạ tầng điện tử (47 lượt tin, bài); tuyên truyền 25 loại hình dịch vụ thiết yếu, định danh, xác thực điện tử và lợi ích của Đề án 06 (85 lượt tin, bài); tuyên truyền Luật Căn cước và các quy định nâng mức độ 2 VNeID trên màn hình LED của huyện 2 lượt/ngày, trình chiếu từ ngày 02/6 đến nay; tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng (41 lượt tin, bài); tuyên truyền về giao dịch điện tử (25 lượt tin, bài); chương trình hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn điện tử (6 lượt tin, bài). Cấp xã là 366 lượt tuyên truyền trên các trạm loa phát thông minh do huyện đầu tư.

Song song với công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm 2024, huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác CĐS qua các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện của tỉnh, huyện.

Tập trung nhiều giải pháp

Trong CĐS, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là tất yếu, đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho sự thành công của CĐS. Vì vậy, hạ tầng số đang được huyện Bến Lức tập trung đầu tư.

Hiện nay, hệ thống cáp quang băng rộng, mạng di động 4G, 5G được phủ đến các xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu kết nối Internet của các hộ gia đình và người dân trên địa bàn huyện. Tổng chiều dài cáp quang tốc độ cao trên địa bàn huyện hiện có 1.182km. Từ đầu năm 2024 đến nay, các DN số đầu tư thêm 63km.

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được quan tâm đầu tư, xây dựng, đáp ứng nhu cầu công tác CĐS. Hiện có 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện, xã được trang bị máy tính phục vụ công tác. Huyện vừa đầu tư mua mới 54 máy tính, nâng cấp 18 máy tính bảo đảm phục vụ công tác chuyên môn.

Huyện triển khai và đưa vào sử dụng 141 cụm loa truyền thanh thông minh tại 14 xã; 76 máy tính bảng để phục vụ phòng họp không giấy. Ngoài ra, các xã đang đầu tư bảng điện tử để thông tin, tuyên truyền, lắp đặt wifi miễn phí tại các điểm công cộng để phục vụ người dân.

Người dân được hỗ trợ điện thoại thông minh để tiện quản lý dữ liệu cá nhân

Trong quá trình CĐS, dữ liệu số được đánh giá có tầm quan trọng bậc nhất vì khi CĐS phải vận hành dựa trên cơ sở dữ liệu. Hiện các cấp, các ngành ở huyện hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL).

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội, kết nối, chia sẻ dữ liệu an sinh xã hội với CSDL quốc gia về dân cư theo tiến độ Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Việc khai thác CSDL đất đai của huyện được thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai của địa phương. Trong đó, việc sử dụng CSDL đất đai để phục vụ công tác sao lục hồ sơ đất đai cung cấp cho cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân bảo đảm về thời gian theo quy định, số lượng hồ sơ được cung cấp đạt tỷ lệ cao.

Tình hình khai thác CSDL tư pháp hộ tịch, lao động đang triển khai, thực hiện, phục vụ tốt cho việc cấp hoặc xác nhận các vấn đề về hộ tịch. Đồng thời, CSDL quản lý nhà nước cấp xã đang được 15/15 xã, thị trấn tổ chức triển khai. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện chuẩn hóa và làm giàu CSDL quốc gia về dân cư.

Việc triển khai sử dụng các nền tảng số được tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện như nền tảng quản lý tiêm chủng tại các cơ sở y tế, nền tảng hóa đơn điện tử triển khai tại các cơ quan nhà nước, DN, hộ kinh doanh; dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, Long An Số, Long An IOC,... Quán triệt 100% cán bộ, công chức, viên chức cài đặt và sử dụng Long An Số và Long An IOC để tiếp cận và sử dụng hiệu quả các ứng dụng liên quan đến số hóa do tỉnh triển khai.

Để thực hiện thành công CĐS, huyện Bến Lức tập trung chuẩn hóa nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn thông tin mạng, chính quyền số, phát triển xã hội số,... Phát triển kinh tế số được đặc biệt quan tâm. Huyện phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo về công tác CĐS cho các DN trên địa bàn huyện. Huyện tập trung tuyên truyền, thúc đẩy các DN đẩy mạnh CĐS toàn diện trong mọi hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh và quản lý của DN, tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng,... nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của DN.

Đến nay, DN, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, nhiều cơ sở kinh doanh triển khai, thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT), UBND huyện ban hành Công văn số 1356/UBND-VHTT, ngày 26/02/2024 về việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bưu chính nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp cận TMĐT. Toàn huyện hiện có 19 sản phẩm OCOP được đăng lên sàn TMĐT. Theo kế hoạch, quí IV-2024, huyện đưa toàn bộ sản phẩm OCOP được công nhận lên sàn TMĐT.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết, huyện xác định công tác CĐS là nền tảng, động lực để thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Thời gian qua, huyện lãnh đạo triển khai, thực hiện công tác CĐS được sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đạt nhiều thành tựu đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt, huyện còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như đội ngũ cán bộ tham gia hỗ trợ CĐS đa phần kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ảnh hưởng đến quá trình CĐS; công tác tuyên truyền từng lúc, từng thời điểm thiếu phương pháp để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, DN trong quá trình thực hiện CĐS.

Thời gian tới, huyện khắc phục những tồn tại và thực hiện CĐS được bám sát theo các giải pháp lớn của Chính phủ, tỉnh; đồng thời, cụ thể hóa phù hợp tình hình địa phương với mục tiêu phục vụ người dân và DN được tốt hơn./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết