Tiếng Việt | English

10/07/2023 - 18:39

Chuyên gia giải thích về mối lo 'vắc xin Covid-19 gây giảm trí nhớ'

Việt Nam đã tiêm gần 266,5 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người dân, trước một số ý kiến lo ngại về ảnh hưởng lâu dài sau tiêm, do vắc xin này gây giảm trí nhớ, chuyên gia của Bộ Y tế đã giải thích.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến "An toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng" được Báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng nay 10.7. Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế: Cục Quản lý dược, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm, Bệnh viện Phụ sản T.Ư và đại diện lãnh đạo hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC đã cùng trao đổi về năng lực cung ứng vắc xin, quy trình đảm bảo an toàn tiêm chủng và nhận biết các phản ứng sau tiêm chủng.

PGS - TS Phạm Quang Thái khẳng định "thông tin vắc xin Covid-19 làm giảm trí nhớ là hoàn toàn không có cơ sở khoa học"

Về các quy định của Bộ Y tế về an toàn tiêm chủng, TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), cho hay chưa bao giờ số lượng cơ sở tiêm chủng tăng nhanh chóng trong thời gian qua, người dân tiêm chủng cũng có số lượng chưa từng có.

Như vừa qua, hơn 80 triệu người dân đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó nhiều người đã tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, đây là cơ hội chúng ta mở rộng tiêm chủng không chỉ cho trẻ em mà còn cho người lớn.

Bộ Y tế tới đây sẽ nghiên cứu để phát triển tiêm chủng trong quy định. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, tất cả các nhân viên y tế phải được đào tạo về tiêm chủng. Đặc biệt, người khám sàng lọc phải được đào tạo từ trung cấp trở lên. Quy định này hằng năm được rà soát và yêu cầu thực hiện.

Ngoài ra, phải đảm bảo về cơ sở vật chất, đủ phòng ban. Vắc xin là một chế phẩm rất đặc biệt, đảm bảo quy trình bảo quản đến điểm tiêm. Đồng thời, phải đảm bảo vai trò của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, cha mẹ cần khai báo đầy đủ những mũi tiêm chủng con đã tiêm, hướng dẫn nhận biết phản ứng sau tiêm cho con...

Covid-19 gây giảm trí nhớ, vắc xin không phải là nguyên nhân

Trước lo ngại được bạn đọc nêu: "Có thông tin cho rằng tiêm vắc xin Covid-19 làm giảm trí nhớ, vậy có đúng không?", PGS - TS Phạm Quang Thái khẳng định "thông tin này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Khi đánh giá triển khai vắc xin trong đời thực, không có sự khác biệt nào giữa nhóm tiêm vắc xin Covid-19 với nhóm không tiêm về vấn đề giảm trí nhớ".

TS Thái cho hay, thực tế trong quá trình dịch Covid-19 xảy ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc mắc bệnh Covid-19 mới là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giảm trí nhớ do sự tấn công của vi rút này vào tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tế bào thần kinh.

Với thắc mắc của các cha mẹ "tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc có gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ hay không? Hiện có quy định nào về các loại vắc xin không nên tiêm cùng đợt không?", TS Thái cho biết, hàng ngày cơ thể chúng ta chịu rất nhiều áp lực tấn công từ bên ngoài vào và hệ miễn dịch vẫn làm việc rất tốt để phân loại tác nhân và xử lý cùng lúc nhiều tác nhân. Đây cũng là cơ sở khoa học của việc tiêm nhiều loại vắc xin trong cùng một buổi tiêm mà vẫn đảm bảo tính sinh miễn dịch cũng như an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện việc tiêm an toàn và hiệu quả, các nhà sản xuất và các đơn vị chuyên môn liên quan đã phải liên tục đánh giá việc phối hợp vắc xin cũng như các vấn đề về an toàn hiệu quả sau đó. Từ các kết quả này, các nhà sản xuất điều chỉnh thông tin kê toa và từ đó điều chỉnh lại thực hành lâm sàng.

Đây chính là cơ sở pháp lý cho việc tiêm đồng thời cũng như phối hợp vắc xin. Bên cạnh thông tin kê toa, các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng là cơ sở cho thực hành tiêm chủng, theo đó, việc tiêm đồng thời các vắc xin trong một ngày tiêm cũng được quy định một cách chi tiết./.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết