Tiếng Việt | English

09/08/2024 - 14:24

Chuyện ở xóm Vườn Lan

“Đậu phộng rang đây... đậu phộng rang đây!...”.

Tiếng rao của một thằng bé trai và một con bé gái làm Quang giật mình quay lại. Anh đang ngồi nói chuyện với Ngân - cô bạn hàng xóm, ở một quán nước ven sông. Có tiếng sóng vỗ oàm oạp dưới chân kè đá và mùi hương hoa sứ phảng phất đâu đây. Hai đứa trẻ tiến lại gần Quang và Ngân. Chúng reo lên:

- A! Anh Quang, chị Ngân mua đậu phộng cho tụi em đi!

Ngân thoáng bối rối, cô “rủa” thầm: Không khéo bọn này sẽ về đồn ầm lên cả xóm. Cái xóm nhiều chuyện nhất trên đời!

- Cho chị và anh Quang hai gói. Bao nhiêu, mấy đứa?

- Dạ! một ngàn.

- Này, chị trả cho hai ngàn! Nhớ về đừng “thèo lẻo” với ai chuyện gặp chị với anh Quang ở đây nhé!

- Dạ!

Hai đứa trẻ hớn hở giao hai gói đậu phộng rồi đi khá lẹ. Cách Quang và Ngân một quãng ngắn, chúng quay lại cười tươi như hiểu ý, rồi hai cái bóng nhỏ bé, gầy guộc, lầm lũi, khuất lấp trong cái ánh sáng lờ mờ, nhấp nháy của những dải đèn hiệu xanh đỏ giăng giăng.

- Anh có biết hai đứa nhỏ đó không? - Ngân hỏi.

- Anh mới về đây nhưng cũng biết sơ về chúng. Hình như bọn nhỏ sống chung với bà ngoại. Nghe nói bà ấy đã lớn tuổi, nhà rất nghèo lại hay đau ốm. Bà ngoại chỉ ở nhà, rang đậu phộng cho hai đứa trẻ đi bán. Ba bà cháu hẩm hiu bên nhau, sống qua ngày. Em ở đây lâu, chắc rành về chúng?

Ngân gật đầu rồi kể:

- Anh có biết không, xóm mình người ta gọi là xóm Vườn Lan vì nằm cạnh nhà cổ của ông Năm Ngôn...

Thằng con trai tên Dũng, đứa con gái tên Linh. Đứa anh, đứa em cách nhau chừng một, hai tuổi. Ba chúng lúc làm rẫy ở bên cồn bị trúng đạn lạc của tàu Mỹ. Bọn chúng sớm mồ côi cha... Mẹ mấy đứa nhỏ, hàng ngày gánh tàu hủ bán rong ở chợ B.T, lây lất qua ngày. Rồi má thằng Dũng, con Linh không kham nổi bầy con nhỏ và người mẹ già nay ốm, mai đau nên đã lên Sài Gòn mua bán gì đó, hàng tháng gửi tiền về nhà. Mấy năm sau giải phóng, bà ấy thỉnh thoảng có về thăm bọn trẻ nhưng từ từ thưa dần và lâu lắm, tới giờ không thấy bà ta về nữa. Có người nói: Má thằng Dũng, con Linh đã có chồng khác ở nơi xa xôi lắm!

Quang cảm thấy bâng khuâng, không biết có phải vì câu chuyện của hai đứa trẻ mồ côi kia không hay là vì ngày mai anh phải lên đường, xa Ngân. Quang là sĩ quan quân đội. Đơn vị anh sắp sửa đi làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn.

Gió từ phía vàm sông thổi về liu riu, lành lạnh. Ngân nép sát vào vai Quang, những sợi tóc mây lòa xòa, chạm êm vào mặt Quang. Có mùi thơm dìu dịu từ những sợi tóc. Ngân thì thầm:

- Bao giờ anh trở lại?

- Chưa biết bao giờ! Nhưng anh sẽ trở về với em. Em có chờ anh không?

Mắt Ngân long lanh. Những giọt nước mắt chực rớt xuống:

- Em sẽ chờ anh... Em sẽ cố chờ anh trở về...

Quang vuốt tóc Ngân. Thời gian như lắng đọng. Mênh mang đất trời sự dịu mát của những ngày đầu thu. Có tiếng còi tàu văng vẳng, mơ hồ ngoài sông lớn. Vầng trăng khuya xanh xao, chênh chếch như con thuyền nhỏ lênh đênh cuối chân trời. Quang và Ngân trở về xóm Vườn Lan. Trên đường, những bông hoa sứ thỉnh thoảng rụng rơi lả tả theo những cơn gió vi vu, bất chợt. Mùi hương hoa từ khu Vườn Lan tỏa thơm ngan ngát, bàng bạc đến nao lòng. Trời cũng sắp sang đông.

*

Đơn vị pháo của Quang hành quân trong đội hình của sư đoàn. Đoàn quân đi âm thầm, vội vã trong đêm. Bầu trời đầy sao. Quang ngoảnh đầu nhìn lại thành phố phía sau lưng. Cái vầng sáng mơ hồ, ấp ủ những phố phường ven sông Hậu sao mà thân thương quá! Có những ngôi sao nhấp nháy cuối chân trời đằng đông, long lanh, lấp lánh. Hình như nó cũng đang đau đáu nhìn Quang như đôi mắt hôm nào của Ngân trong một đêm sao sáng, bên thành phố ven sông.

Ánh đèn pha quét loang loáng trên mặt đường còn sũng nước. Cơn mưa ban chiều đã tạnh hẳn. Những khẩu pháo to sầm sầm, ngụy trang đầy cành lá, giần giật theo tốc độ của những chiếc xe kéo. Mùi xăng nhớt nồng nồng, hăng hắc xông lên. Những cặp mắt căng thẳng nhìn về phía trước như muốn xé màn đêm ra. Bàn chân của những người lính lái xe nhìm nhịp trên phanh chân thắng, tay sần sùi, bám chặt vô-lăng. Và trên đầu bộ đội, những ngôi sao quốc huy thỉnh thoảng lóe lên, phản chiếu ánh sáng lấp lánh khi có những chiếc xe pha đèn đi ngược.

Bộ đội trên xe, súng khua lanh canh, lách cách tựa vào thanh chắn. Đoàn xe pháo của sư đoàn rầm rì tiến về biên giới.

Thời gian trôi nhanh quá!

Quang ở trên đất nước chùa tháp thế mà đã gần sáu năm.

Một buổi sáng mùa hè, khi những cơn mưa bắt đầu rớt hạt trên những cánh rừng bằng lăng âm u, thăm thẳm, anh Phong - sĩ quan quân lực tiểu đoàn, dẫn xuống khẩu đội pháo giao cho Quang bốn chiến sĩ mới.

Anh Phong nói: “Đồng chí Trung úy Quang! Trên bổ sung cho đồng chí các chiến sĩ mới. Họ trẻ, khỏe, toàn là lính tình nguyện cả đấy! Đồng chí cố gắng huấn luyện, chăm sóc chu đáo cho các chiến sĩ này. Qua mùa mưa năm nay, sang mùa khô có thể tham gia chiến dịch, thao tác khí tài, quân dụng thuần thục. Đơn vị ta là đơn vị pháo”.

“Dạ! Xin chấp hành mệnh lệnh!” - Quang chào anh Phong. Anh Phong và Quang bàn một số vấn đề cần thiết của đơn vị, sau đó, anh Phong trở về tiểu đoàn.

Buổi trưa, lúc ăn cơm, Quang hỏi thăm các chiến sĩ mới: Tuấn, Lành, Kiệt và Dũng. Những chàng trai trẻ không hẹn mà gặp nhau trên mảnh đất đầy máu lửa này vì sứ mạng thiêng liêng của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Họ ra đi bỏ lại sau lưng quê hương và nỗi mong chờ của những người thân.

Quang bỗng chú ý đến Dũng. Cậu ta trông quen quen. Quang nhớ mài mại đã gặp cậu ta ở đâu đó.

Quang ngờ ngợ hỏi: Dũng! Có phải cậu ở hẻm Vườn Lan, phường X. không? Hồi nhỏ, cậu có bán... Cậu ở gần nhà cô giáo Ngân phải không?

Dũng reo lên, cắt lời Quang: Trời! Anh Quang... Ban nãy em nghi không lầm. Là anh đây mà!

Dũng mừng rỡ, nắm lấy tay Quang dặc dặc: Anh Quang! Em là Dũng. Dũng bán đậu phộng rang. Em còn nhớ đã bán cho chị Ngân và anh hai bịch đậu phộng ở công viên Bãi Cát. Hôm ấy, chị Ngân trả cho em hai ngàn nữa kia mà!

Quang và Dũng hồ hởi chuyện trò. Khi Dũng nhắc về Ngân, Quang hơi buồn, anh hỏi:

- Đã gần một năm rồi, tôi không nhận được thư Ngân và tin tức của cô ấy. Ngân còn ở xóm Vườn Lan hay đã đi nơi khác rồi, Dũng có biết không?

Dũng thoáng yên lặng, rồi cậu ta nhỏ giọng:

- Anh Quang đừng buồn nhé, em sẽ nói cho anh nghe…

- Cậu cứ nói. Tôi không buồn đâu! - giọng Quang hơi chùn xuống.

- Chị Ngân có người thân ở nước ngoài bảo lãnh. Chị Ngân là cô giáo dạy bổ túc cho em, sau này chị ấy nghỉ dạy. Nghe nói chị Ngân đã làm xong thủ tục, chỉ chờ đi mà thôi. Mà không chừng chị ấy đã đi rồi cũng nên.

Quang lẩm bẩm. Ánh mắt anh thoáng xa xăm:

- Có lẽ Ngân đã đi rồi! Gần một năm đâu còn những lá thư đầy ắp yêu thương!

*

Nhật ký của Quang. Những ngày trên đất Campuchia.

Ngày 18/7/1986

Lên tiểu đoàn họp, nghe các thủ trưởng phổ biến tình hình mới. Trên đường về bị một tốp Pôn-Pốt phục kích. Lành hy sinh. Dũng và Kiệt đã dũng cảm xung phong diệt bốn tên, thu hai khẩu súng. Chôn cất Lành dưới bóng cây thao lao cao ngất. Mình gói theo xác cậu ấy một cây bút bi đã rút ruột, hai đầu cuộn mủ nylon hơ lửa kín, bên trong có miếng giấy nhỏ ghi rõ họ tên, quê quán, ngày hy sinh. Mình ghi vào sổ tay: Nguyễn Văn Lành:... Tọa độ tương đối: ... vĩ Bắc, ... kinh Đông (lính pháo binh mà!).

Ngày 30/7/1986

Nhận được thư gia đình, bạn bè. Không có thư Ngân! Không biết bây giờ em ở đâu? Ngân ơi! Em có nhớ anh không?

Ngày 10/8/1986

Được lệnh bắn chi viện cho đơn vị bạn vượt sông...

Ngày 20/8/1986 (một ngày đáng nhớ)

Lên tiểu đoàn họp báo. Đang họp, bị Pôn-Pốt pháo. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh: “Các đồng chí hãy trở về vị trí chiến đấu”. Mình chụp nón đội vội, súng lên đạn, hối hả trở về khẩu đội. Pháo giặc đã ngưng, thấy mọi người bu quanh một thi thể. Trời ơi! Dũng bị một mảnh pháo ghim sau gáy. Máu nhòe nhẹt, sền sệt đẫm ướt chiếc áo xanh bộ đội. Tự nhiên thật lạ! Mình không nhìn vào mặt Dũng mà lại nhìn vào chiếc áo của cậu ấy! Chiếc áo đã bạc màu với mưa rừng và nắng gió. Chiếc áo có mảnh vá và những đường chỉ khâu vụng về bởi bàn tay của đàn ông. Dũng đã hy sinh, đôi mắt nhắm nghiền như trẻ thơ. Mình ra lệnh lấy vải mủ bó cậu ấy lại, đem an táng ở phía sau ngọn đồi nhỏ, nơi có cây bằng lăng cổ thụ, hoa tím nở từng chùm. Trời như buồn theo. Mây xám trùng trùng. Mưa tháng tám lại tuôn xối xả trên những mái tăng, trên những chiến hào. Dòng Mê-kông, nước từ đại ngàn chảy về mênh mang cuồn cuộn, sục sôi, phù sa trào bọt, đỏ như máu.

*

Chiều cuối năm, gió nhè nhẹ mơn man trên những nhánh mai vàng nở sớm. Ở một căn nhà nhỏ cạnh xóm Vườn Lan. Một bàn tay rắn rỏi vỗ nhẹ lên vai người con gái:

- Lại đọc nhật ký của anh! Đọc hoài không chán ư?

- Không chán! Cũng như...

- Như gì?

- Như... em yêu anh hoài! - cô gái đỏ bừng giấu mặt.

Quang choàng tay qua lưng vợ. Anh hôn lên mái tóc có những sợi đen huyền bị gió thổi lòa xòa. Những sợi tóc thơm dìu dịu như mùi hương hoa sứ năm nào. Đó là mùi hương đích thực của mái tóc người con gái thủy chung...

Buổi chiều nhẹ nhàng khép mắt. Màn đêm buông xuống và thành phố đã lên đèn. Có tiếng rao lảnh lót, giọng trẻ con:

- Đậu phộng rang đây!... Đậu phộng rang đây!...

Quang giật mình, thảng thốt, anh gọi giật vợ:

- Này Ngân!

- Gì vậy anh?

- Em có biết hoàn cảnh của bà Tám và bé Linh, em của Dũng bán đậu phộng rang bây giờ ra sao không? Cậu ấy là lính của anh!

Ngân kể: Năm ấy, Dũng tình nguyện vào bộ đội, đi làm nghĩa vụ quốc tế và hy sinh. Bà Tám tuổi già, đãng trí nhưng không bao giờ tin thằng cháu ngoại mình đã chết. Bà vẫn thường ra đứng đầu ngõ như ngày xưa trông hai đứa cháu đi bán đậu phộng... Bà ấy hay nhìn chằm chằm và hỏi những người qua lại: “Có thấy thằng Dũng bán hết đậu phộng chưa? Sao nó lâu về vậy? Anh em nó ngoan lắm! Tụi nó không đi khuya dữ vậy đâu”. Bà Tám cứ đứng mãi như thế. Đến khi bé Linh hoặc một người nào khác dỗ ngọt, dìu bà vào trong nhà mới thôi.

Dũng được phong tặng danh hiệu liệt sĩ. Một doanh nghiệp nhà nước đã xây nhà tình nghĩa cho bà Tám và nhận phụng dưỡng bà đến cuối đời. Phần Linh, được Hội Phụ nữ cho học nghề và đã đi làm ở một xí nghiệp trên Trà Nóc.

Có một tình yêu Tổ quốc trong 'Việt Nam qua cửa sổ con tàu'

 

Có một tình yêu Tổ quốc trong 'Việt Nam qua cửa sổ con tàu' 

“Việt Nam qua cửa sổ con tàu” là tập ký (tùy bút, bút ký, du ký, tản văn,...) và hình ảnh vừa phát hành của tác giả Hoàng Khánh Duy (TP.Cần Thơ).

Quang cảm thấy bùi ngùi và anh cũng nhẹ nhõm trong lòng khi nghe vợ kể. Nhưng còn tiếng rao “Đậu phộng rang! Đậu phộng rang đây!...” của Dũng và bé Linh hôm nào nơi Bãi Cát, trong buổi chiều chia tay Ngân năm ấy, chắc Quang khó lòng quên được./.

Đặng Hoàng Thám

Chia sẻ bài viết