Tiếng Việt | English

20/11/2021 - 05:40

Chuyện về những giáo viên trường nghề

Không đơn thuần là người truyền nghề, dạy chữ cho học sinh (HS) mà các thầy, cô giáo trường nghề còn “nặng gánh” với vai trò tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp,... cho các em - đó chính là chia sẻ, tâm sự của các giáo viên (GV) Trường Cao đẳng Long An nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Đồng hành với học sinh

Năm 2013, thầy Đặng Minh Khiêm (GV Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính) tốt nghiệp Đại học Cần Thơ và về công tác tại Trường Cao đẳng Long An cho đến nay. Ngần ấy năm gắn bó với trường cũng là khoảng thời gian thầy luôn đồng hành với HS, sinh viên (SV) có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn.

Thầy Đặng Minh Khiêm thường tổ chức dọn vệ sinh và thắp hương các phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Đây là một trong những cách thầy giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (Ảnh tư liệu)

Được biết, HS, SV trường nghề ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó chủ yếu là HS vừa tốt nghiệp THCS - nhiều người cho rằng đây là độ tuổi dễ “nổi loạn”. Song, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, trách nhiệm với công việc, thầy Khiêm luôn đặt mình vào suy nghĩ của HS, SV để đồng cảm và giúp các em vượt qua khó khăn cũng như định hướng rõ nghề nghiệp trong tương lai. Cụ thể, trước khi nhận chủ nhiệm lớp, thầy Khiêm chủ động xin số điện thoại để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của HS, SV, trong đó đặc biệt quan tâm đến HS, SV nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Thầy Khiêm bộc bạch: “Trường Cao đẳng Long An có mô hình Quỹ Tiếp sức đến trường, bình quân mỗi năm gây quỹ trên 20 triệu đồng. Số tiền này sẽ gởi tặng những HS, SV thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mỗi em 500.000 đồng, số tiền còn dư sẽ mua quà tết tặng HS, SV nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán. Ngoài Quỹ Tiếp sức đến trường, trường còn tạo điều kiện cho HS, SV thuộc diện hộ nghèo được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi trong học nghề của Đảng và Nhà nước. Đối với tôi, việc tìm hiểu hoàn cảnh của từng HS, SV là điều nên làm bởi có nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn và luôn mơ ước học được nghề để sau này có việc làm, thu nhập ổn định phụ giúp cha mẹ. Hiểu và chia sẻ với các em, tôi cố gắng làm được gì thì làm, giúp được gì thì giúp trong khoảng thời gian các em đang học tại trường”.

 

Thầy Đặng Minh Khiêm (giữa) luôn là người bạn đồng hành với học sinh (Ảnh tư liệu)

Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn cơ sở Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính, thầy Khiêm có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên như tổ chức vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhân các ngày lễ, tết; về nguồn; phân loại rác thải tại nguồn;... Điểm nổi bật trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính còn là việc Đoàn trường luôn phát huy tốt tinh thần “tương thân, tương ái” của HS, SV đối với những mảnh đời yếu thế trong xã hội.

Em Trần Hoài Nhân (HS Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính) nói: “Ban đầu, em cứ nghĩ khi mình giàu mới có thể giúp đỡ người khác, nhưng sau khi nghe thầy Khiêm dạy thì việc đóng góp dù nhỏ cũng có thể giúp được nhiều bạn HS nghèo vượt qua khó khăn, quan trọng vẫn là tấm lòng. Do đó, em rất tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội do trường phát động như ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, ủng hộ tiền giúp đỡ các bạn HS nghèo vượt khó,...”.

Giúp học sinh định hướng nghề nghiệp

Ở độ tuổi 16, nhiều em chưa định hướng được bản thân cần gì và phải làm gì cho tương lai, thế nhưng, khi vào Trường Cao đẳng Long An, các em sẽ được thầy, cô giáo tư vấn rất kỹ, định hướng rõ để xác định được ngành cần theo học. Riêng GV bộ môn sẽ giúp các em hứng thú với ngành nghề đang học. Đây chính là chia sẻ của thầy Trương Văn Phúc (GV Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính).

Thầy Trương Văn Phúc (thứ 2, trái qua) là một trong những giáo viên giỏi, nhiệt huyết của Trường Cao đẳng Long An (Ảnh tư liệu)

Xác định việc định hướng nghề nghiệp cho HS, SV là rất quan trọng, theo đó, thầy Phúc và các thầy, cô của trường luôn quan tâm đến công tác này. Thầy Phúc bộc bạch: “Biện pháp hiệu quả giúp HS, SV yêu nghề đang học là hướng dẫn các em tìm tòi, nghiên cứu và hiểu được ngành mình đã chọn. Khi các em hứng thú với nghề đang học thì con đường tương lai của các em sẽ rộng mở. Có rất nhiều HS, SV sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao. Đây chính là động lực cho tôi tiếp tục truyền nghề cho HS, SV”.

Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Long An, thầy Khiêm và thầy Phúc là những GV tiêu biểu xuất sắc của trường nhiều năm qua; nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Thế nhưng, món quà ý nghĩa đối với thầy Khiêm, thầy Phúc chính là nhìn thấy học trò của mình có việc làm ổn định, thành công trên con đường học nghề. Điều này càng khẳng định nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết