Tiếng Việt | English

28/06/2021 - 20:05

Chuyện về những người phụ nữ trung niên, độc thân

Gạt bỏ quan niệm “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, nhiều phụ nữ chọn cuộc sống độc thân, hy sinh tuổi xuân để chăm sóc gia đình. Ở tuổi trung niên, niềm vui của họ chỉ đơn giản là nhìn người thân luôn khỏe mạnh, gia đình yên vui.

Hiện bà Khánh ở cùng cha 93 tuổi, dù tuổi cao nhưng ông vẫn rất minh mẫn  

1. Ở tuổi 58, ngày ngày, bà Võ Thị Khánh, ngụ khu phố Bình Phú, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An mưu sinh bằng nghề bán vé số. Sức khỏe không được tốt nên bà chỉ bán ở quanh phường, mỗi ngày được khoảng 100 tờ. Sinh ra trong một gia đình có 16 anh, chị em, ngày trẻ, bà Khánh cũng được nhiều người hỏi cưới nhưng bà đều lắc đầu từ chối.

Chia sẻ về việc chọn cuộc sống độc thân, bà Khánh nói: “Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã có suy nghĩ không lập gia đình, chỉ muốn ở vậy để chăm sóc, lo lắng cho cha mẹ đến trăm tuổi già. Mẹ tôi mất nay đã mười mấy năm, còn cha năm nay 93 tuổi. Tôi đi bán vé số để kiếm tiền trang trải việc ăn uống, thuốc thang cho cha”.

Hàng ngày, bà Khánh thức dậy vào lúc 5 giờ để chuẩn bị cơm nước cho cha. 6 giờ, bà bắt đầu đi bán, hôm nào, may mắn thì được về sớm, tuy nhiên gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình buôn bán cũng chậm hơn trước. Ở tuổi gần 60, ước mơ của bà Khánh chỉ đơn giản là mỗi ngày được bán đắt hàng, cha luôn khỏe mạnh, vui vẻ.

Ngoài cháu gái, bà Kim Anh tìm niềm vui từ việc chăm sóc cây cảnh tại nhà

2. Từ ngày chị dâu qua đời, bà Phan Thị Kim Anh (58 tuổi), ngụ ấp 4, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, đem đứa cháu nhỏ vừa tròn 5 tháng tuổi về nuôi. Khi ấy, bà cũng chỉ ngoài 20 tuổi, thương cháu mất mẹ, anh trai có gia đình mới nên bà nuôi cháu từ ngày còn đỏ hỏn đến nay. Ngay từ nhỏ, sức khỏe cháu bà không được tốt, trí tuệ phát triển không được thông minh, nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. 34 tuổi, cháu bà vẫn quanh quẩn ở nhà, kinh tế gia đình một tay bà lo.

Bà Kim Anh tâm sự: “Trước đây, tôi làm ở xí nghiệp và làm ruộng. Nhà có ít đất để cày cấy nhưng từ lúc người dân ở đây chuyển sang trồng thanh long tôi cũng thôi làm ruộng. Gần đây, tôi cho thuê, thu nhập cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Trước đây, tôi sống cùng cha và cháu gái. Từ ngày cha mất (hơn 20 năm), căn nhà chỉ còn lại 2 cô cháu. Năm lên 10 tuổi, mỗi khi có người đề cập đến việc tôi sắp lấy chồng là cháu khóc ngất. Phần vì duyên nợ, phần vì thương cháu nên tôi không muốn lập gia đình. Hiện tại, tôi chưa từng hối hận về quyết định này”.

Ngày ngày, hai người phụ nữ không chồng cưu mang, đùm bọc nhau. Bà Kim Anh luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho cháu gái, hy vọng phần nào bù đắp được những thiếu thốn tình cảm gia đình cho đứa cháu kém may mắn này.

Là giáo viên về hưu, bà Sự dành tất cả thời gian lo cho gia đình

3. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 anh, chị em, bà Nguyễn Thị Sự (67 tuổi), ngụ khu phố Thủ Tửu 2, phường Tân Khánh, TP.Tân An là chị cả trong nhà. Làm nghề giáo viên, trước năm 1975, bà Sự đã bắt đầu đi dạy tiểu học. Lúc bấy giờ, số tiền từ công việc giảng dạy cũng chẳng là bao, nhiều người khuyên bà nên kiếm nghề khác mà làm. Yêu nghề, mến trẻ, bà vẫn quyết bám công việc dạy học và sống gói ghém để có tiền phụ gia đình nuôi các em.

Bà Sự tâm sự, thời trẻ, bà từng có bạn nhưng vì sợ khi lấy chồng sẽ chẳng thể chu toàn cho cả 2 gia đình nên quyết định ở vậy. Hiện bà Sự sống cùng mẹ (87 tuổi) và em gái (53 tuổi). Về hưu năm 2009, bà dành tất cả thời gian để chăm sóc gia đình. Em gái bà bị bệnh thận nên cũng chẳng thể lao động được, chi tiêu hàng tháng phụ thuộc chủ yếu vào tiền lương hưu chưa đến 5 triệu đồng/tháng của bà. Mỗi khi em gái nhập viện điều trị một tay bà chăm sóc. Bà gửi mẹ sang nhà các em nhưng vì ở đâu quen đó nên mẹ của bà vẫn rất nhớ nhà. Nhiều lúc, bà phải chạy tới, chạy lui để có thể vừa lo cho mẹ, vừa chăm em.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 nhỏ, bà Sự cho hay: “Đây là căn nhà tôi và gia đình đã mua được sau nhiều năm tích góp. Mỗi ngày, tôi lo chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặc quần áo cho cả nhà. Giờ đây, hạnh phúc của tôi là cả nhà được khỏe mạnh, mỗi ngày cùng nhau ăn cơm, trò chuyện. Thỉnh thoảng, con cháu ghé thăm, mọi người cùng nhau chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống”./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết