Tiếng Việt | English

09/04/2017 - 13:47

Cô gái hiến tạng của mẹ đã viết nên câu chuyện về tình người

Vô cùng đau thương khi mẹ bị chết não do tai nạn giao thông, không thể qua khỏi, em Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi, quê Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã hỏi ý kiến người thân và quyết định hiến tạng của mẹ, góp phần cứu sống nhiều người khác.

Nghĩa cử cao đẹp của cô gái trẻ này đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư khen. Điều đáng trân trọng là trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng Sáng đã vượt qua định kiến xã hội, đồng ý hiến tạng mẹ, cứu giúp những bệnh nhân hiểm nghèo và chăm lo cuộc sống cho các em khi đã mồ côi mẹ.


Ngôi nhà của anh Nguyễn Tiến Đường - nơi 3 chị em Sáng đang ở nhờ

Gặp Nguyễn Thị Sáng tại thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi mắt thấy, tai nghe về hoàn cảnh khó khăn và tuổi thơ thiệt thòi của Sáng.

Sáng từng sống với bố mẹ tại Đắk Nông. Sau đó, bố mẹ ly hôn. Bố lấy vợ mới, không chăm lo được cho các con. Sáng về sống với mẹ ở Bình Dương, cùng em gái 17 tuổi đi làm thợ may. Mẹ đi bước nữa, sinh được một em gái nhưng dượng hay say rượu nên sau khi mẹ mất, Sáng rời nhà trọ ở Bình Dương, đành bỏ việc để đưa 2 em và tro cốt của mẹ về quê Hà Tĩnh.

Ba chị em Sáng đang sống nhờ tại nhà anh trai của mẹ. Trong ngôi nhà cấp bốn 2 gian, tài sản lớn nhất là 1 chiếc giường cũ kỹ và bộ bàn ghế tuyềnh toàng. Ở góc nhà là chiếc bàn thờ đơn sơ với bức ảnh mờ cũ của chị Nguyễn Thị Liệu, hơn 40 tuổi (mẹ của Sáng). Trong làn khói hương thoang thoảng, chiếc máy tụng kinh phát ra những tiếng đều đều, lặp lại.


Nguyễn Thị Sáng tin rằng, ở nơi chín suối, mẹ em sẽ mỉm cười với quyết định của em về việc hiến tạng mẹ để cứu người

Nhớ lại ngày định mệnh giữa tháng 3 khi mẹ bị tai nạn giao thông, Nguyễn Thị Lương, em gái của Sáng, kể: “Lúc đó, em đang đi cùng mẹ. Khi mẹ sang đường trước, một chiếc xe máy đã đâm vào mẹ. Em thấy mẹ ngã xuống, ôm trọn em út vào lòng để không bị thương...”.

Khi còn sống, mẹ Sáng luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác và quan niệm rằng, con người chết đi sẽ về với cát bụi, chỉ có tình người là còn mãi. Vì thế, khi mẹ rơi vào tình trạng chết não sau tai nạn giao thông, Sáng và em gái không do dự khi bác sỹ đặt vấn đề hiến tạng. Lúc ký vào biên bản hiến gan, tim, thận và giác mạc của mẹ cho Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân khác, Sáng và em gái như thấy mẹ mỉm cười với quyết định của con gái.

Bà Trần Thị Sương, bác dâu của Sáng, cho rằng: “Hành động của Sáng rất tiến bộ. Nếu như tôi khi rơi vào hoàn cảnh đó cũng chưa chắc đã nquyết định được như cháu. Thực sự là hiện nay hoàn cảnh của cháu rất éo le”.


Anh Đường nặng trĩu nỗi niềm khi em gái mất, các cháu còn nhỏ tuổi

Cưu mang chị em Sáng, ông Nguyễn Tiến Đường, anh ruột của mẹ Sáng đã nhường chiếc giường duy nhất trong nhà cho các cháu nằm, còn mình trải chiếu ngủ dưới đất.

Anh Đường năm nay 45 tuổi, làm thợ mộc, nhà nghèo, vợ đi xuất khẩu lao động rồi bỏ nhà đi luôn, 2 con trai đi làm và đi học xa.

Anh Đường nặng trĩu nỗi niềm khi em gái vừa mất, các cháu còn thơ dại: “Tôi chỉ có khả năng làm đám ma cho em gái xấu số. Tôi nghèo quá, không giúp được các cháu nhiều. Tội nghiệp bọn trẻ…”

Họ hàng thân thiết ai cũng khó khăn. Người gây tai nạn khiến mẹ Sáng tử vong cũng nghèo, chỉ biết thắp hương và nói lời xin lỗi. Sáng thương 2 em vô cùng, nhất là đứa em cùng mẹ khác cha mới gần 2 tuổi. Từ ngày mẹ mất, em bé cứ gọi 2 chị là mẹ.

Sáng tâm sự: “Sau lễ 49 ngày cho mẹ, em sẽ tìm việc làm để nuôi các em. Tạm thời mấy chị em ở đây thắp hương hàng ngày cho mẹ. Trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy có nói giúp em công việc nhưng lúc đó em bận đưa tro cốt mẹ về quê. Sau này, có thể em sẽ vào Bình Dương hoặc Sài Gòn để xin việc làm…”.

Tuy tuổi còn trẻ nhưng Sáng đã vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn mất mát của gia đình và làm được một việc đầy tình người là đồng ý hiến tạng của mẹ và thay mẹ lo toan cuộc sống cho các em.

Ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nghĩa cử của cháu Sáng thật đáng trân trọng, thể hiện sự hiểu biết tiến bộ về sự sống, cái chết, về cuộc đời…. Đó là một tấm gương sáng cho nhiều người noi theo…”.

Đồng ý hiến tạng của mẹ, Nguyễn Thị Sáng đã có một quyết định vượt tuổi 19 của mình. Nghĩa cử của em đang truyền đi trong cộng đồng một thông điệp về tình yêu thương, sự cho đi và lòng trắc ẩn trong mỗi con người.

Nguyễn Thị Sáng đã góp phần viết nên câu chuyện cảm động về tiếp nối sự sống từ nguồn tạng của người mẹ chết não- một nghĩa cử nhân văn và thấm đậm tình người./. 

Theo VOV

Chia sẻ bài viết