Tiếng Việt | English

24/01/2016 - 13:49

Cổ tích có thật

Thằng Tí lê từng bước chân mệt nhọc qua từng con hẻm, mí mắt nó nặng trĩu như chực sụp xuống nhưng tay vẫn đều đặn gõ từng nhịp “cốc…cốc…cốc”. Cái se lạnh của những ngày cuối năm làm nó rùng mình, mà làm sao bằng cái lạnh ở quê nó. Những năm trước, mùa này, khi màn đêm buông xuống, nó và thằng út chui rúc vào tấm chăn ấm áp rồi thủ thỉ với nhau mọi chuyện trên đời, từ chuyện bé Nấm bên nhà tặng út cây viết đến chuyện má với ba lại cãi nhau. Ngọn gió sau đồi lùa vào căn nhà trống hoác, lạnh buốt da. Thấy thằng út co ro, Tí gấp cái chăn lại làm đôi đắp cho nó đỡ lạnh.

Nhà Tí nghèo, nghèo nhất, nhì cái xóm núi. Chị hai lấy chồng, cũng nghèo. Rồi ba ngã bệnh, mất sức lao động, bao việc nặng nhọc trong nhà dồn hết lên vai má. Sáng, má tất tả lên rẫy, chiều về lại chăm đàn gà kiếm thêm thu nhập. Chị ba đành bỏ học giữa chừng, giã từ mảnh đất miền Trung khô cằn vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Tí, 10 tuổi theo cô ba hàng xóm vào Nam bán hủ tíu gõ. Ngày Tí đi, thằng út khóc dữ lắm, nó cứ nằng nặc đòi theo anh, Tí phải dỗ dành mãi nó mới nghe.

Căn nhà trọ của Tí nằm sâu trong con hẻm nhỏ, là nơi ngả lưng của của 4 người: Vợ chồng cô ba, Tí và Tủn. Tủn cùng xóm với Tí, 2 đứa chơi thân với nhau từ nhỏ, nó vào đây trước nên chỉ bảo Tí từng đường đi, nước bước. Tủn theo xe hủ tíu của chú Tùng, chồng cô ba, bán ngoài ngã tư nên đông khách. Tí phụ cô ba bán ở góc đường nhỏ nên ít khách hơn, thế nên, sau khi rửa chén, rảnh rảnh là Tí lại đi vào các ngõ, hẻm gõ “cốc…cốc”, có ai kêu, Tí đem hủ tíu đến tận nơi.

Đi một hồi mỏi chân, Tí ngồi bệt bên đường, nhìn sang bên kia, thấy thằng Tủn cũng rảnh rỗi vì vắng khách. Hai đứa tựa lưng vào nhau kể chuyện hôm nay phụ bán ra sao. Tủn còn khoe được khách "boa" 10.000 đồng, nó hí hửng vuốt vuốt tờ tiền rồi bỏ vô túi:

- Tí, nếu bây giờ có bà tiên cho mày điều ước, mày ước gì?

- Tao ước chỗ cô ba cũng đông khách như chỗ chú Tùng để tao khỏi đi gõ nữa, chỉ bưng và rửa chén thôi.
- Thằng khùng, được điều ước thì phải ước cho thiệt hoành tráng, nhà lầu nè, xe hơi nè…

- Ừ hén, mà thôi, ước điều đơn giản, biết đâu bà tiên thương tình cho thiệt.

Rồi như nhớ điều gì đó, Tí lật đật: “Con Nhi kêu tô hủ tíu mà tao quên, để tao về bưng qua cho nó”. Nhi là con cô Hiên ở chung xóm trọ, con nhỏ 6 tuổi, học lớp 1. Con nít trong xóm trọ, chỉ mỗi mình nó được đi học đàng hoàng, còn Tí và Tủn tranh thủ theo lớp xóa mù chữ của phường vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Tí vừa đợi vừa hối:

- Ăn lẹ lên đi, tao lấy tô về luôn, mà nay có tiền trả hôn hay đợi cô Hiên về?

- Tối về mẹ em trả.

- Mà nay sao cô đi bán về trễ vậy?

- Tuần sau qua học kỳ 2, mẹ nói ráng bán thêm buổi tối kiếm tiền đóng học phí cho em.

- Mày sướng! Thôi ăn lẹ, tao còn bưng tô về rửa rồi dọn hàng nữa, gần 11 giờ khuya rồi.

Ảnh minh họa: Hữu Phương

Tối về, Tí hí hoáy đếm tiền, gần 2 triệu đồng. Nó mừng thầm, với số tiền này chắc má nó sẽ mua bánh, mứt chuẩn bị tết, mua thêm được bộ quần áo mới cho thằng út. Tí đếm đi, đếm lại mấy lần rồi qua phòng trọ con Nhi xem cô Hiên về chưa. Thấy nó, cô Hiên ngoắc vào trả tiền tô hủ tíu.

Nó ngồi cạnh bên, nhìn cô Hiên dạy Nhi học bài mà nhớ má quá đỗi. Giờ này, ngoài quê, không biết má đang làm gì, chắc nhớ nó lắm. Còn chị ba nữa, mấy tháng rồi sao không xuống thăm nó, Sài Gòn với Long An có xa xôi chi đâu…

Hôm trước, chị ba điện thoại cho Tí nói tết chắc không về vì vé tàu cao quá, cả 2 chị em cùng về thì không còn đủ tiền phụ má ăn tết. Chị ba kêu Tí về nhưng nhẩm đi, nhẩm lại cả đi lẫn về cũng hết 1 triệu đồng, nên thôi, Tí quyết định ở lại. Tết, vợ chồng cô ba cũng về quê, Tí định sẽ kiếm việc làm thêm mấy ngày tết.

Chần chừ hồi lâu Tí mới dám nhờ cô Hiên mai dẫn ra bưu điện gửi tiền về quê cho má. Tí viết chữ chưa rành nên ra đó có cô Hiên cũng an tâm hơn. Thấy thằng nhỏ siêng năng, cô Hiên thương lắm, nhưng cô cũng nghèo, chật vật mới lo được cái ăn, cái mặc cho 2 mẹ con, lấy đâu tiền để giúp nó.

Từ bưu điện trở về, Tí mừng rơn, nó hình dung ra gương mặt hạnh phúc của má khi nhận được tiền, má sẽ mua cặp dưa hấu, mua bánh mứt, con gà, vài kilogam thịt heo để đón tết. Nhưng nếu nó và chị ba về cùng, chắc má vui hơn.

Nó kể với cô Hiên về mơ ước của mình rồi nói như tiếc nuối: “Hôm trước, thằng Tủn hỏi nếu có bà tiên cho con điều ước, con ước gì? Lúc đó con lỡ ước cho cô ba bán đắt như chú Tùng để con khỏi đi gõ. Giờ nghĩ lại thấy tiếc tiếc, phải chi lúc đó ước bà tiên cho 2 chị em con vé tàu về quê”. Cô Hiên nghe vậy, thương thằng bé đứt ruột.

4 giờ chiều, sắp đến giờ xổ số rồi mà cô Hiên còn tới 3 tờ, mời mãi không ai mua. Giờ mà đi bộ đến đại lý trả lại cũng mất nửa tiếng đồng hồ, làm gì người ta cho đổi, thôi thì ráng đi thêm chút nữa, biết đâu có người thương mua giúp 3 tờ vé số. 4 giờ 30, thôi rồi… đành “ôm” 3 tờ vé số vậy. Định chiều nay 2 mẹ con sẽ đi ăn lẩu, giờ lỗ 3 tờ này rồi, chắc cô đành thất hẹn với Nhi.

Đến đại lý lấy vé số, cô Hiên run run nhìn hàng số đang nhảy nhót trên bảng xổ số. Nó giống giống với dãy số trên 3 tờ vé số ế. Cô lập cập, tim đập mạnh, đôi chân run như muốn ngã quỵ… Trúng rồi, trúng y luôn… giải 10 triệu. Vậy 3 tờ là 30 triệu. Tự dưng nước mắt trào ra, cô luýnh quýnh chạy về xóm trọ.

Đêm giao thừa, cô Hiên tổ chức 2 bàn tiệc nhỏ cùng xóm trọ đón năm mới. Nhi tung tăng trong bộ đầm mới, điều mà nó mơ ước bao năm nay, mọi chuyện diễn ra với cô và bé Nhi như trong chuyện cổ tích.

Mọi người đang rôm rả thì cô Hiên có điện thoại. Tiếng thằng Tí hồ hởi: “Trong đó vui không cô, ngoài đây cả nhà con đang chuẩn bị đón giao thừa, vui quá cô ơi. Nhờ cô cho con 2 triệu đồng mà năm nay chị em con được về quê ăn tết với ba, với má. Cô như bà tiên của con vậy đó…”.

Đang nói chuyện với Tí thì có tiếng thằng Tủn chen vô: “Con nữa cô ơi, con cám ơn cô đã tặng con vé tàu về quê, mùng 10 con vô đem theo quà miền Trung, mình làm tiệc nha cô!”.

Những chùm pháo hoa đầu tiên sáng rực trên bầu trời. Một năm mới an lành và hạnh phúc đang tràn ngập….

Quỳnh Chi

Chia sẻ bài viết