Tiếng Việt | English

30/03/2023 - 15:16

Còn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn

Hiện nay còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh an toàn ở khu vực nông thôn”.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân, tuy nhiên, chất lượng/điều kiện vệ sinh ở các hộ gia đình khu vực nông thôn vẫn là vấn đề khiến nhiều người quan ngại.

Thực tế hiện nay, còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (khoảng gần 14 triệu người dân ở khu vực nông thôn đang sử dụng các nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn), 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh an toàn ở khu vực nông thôn”

Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 20.000 ca tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, 9.000 người tử vong do nguồn nước bị ô nhiễm. Vệ sinh môi trường yếu kém sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng gần 800 triệu USD do tình trạng vệ sinh kém gây nên.

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, một trong những khó khăn thách thức trong việc tiếp cận nguồn nước sạch của người dân khu vực nông thôn đó là: thiếu vốn đầu tư công trình để tăng thêm tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; Thiếu vốn đầu tư cho các công trình để đảm bảo duy trì tỷ lệ dân số nông thôn đã sử dụng nước sạch; Thiếu môi trường pháp lý để thực hiện được các chính sách xã hội hóa cho lĩnh vực cấp nước nông thôn…

Hơn 10 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác trong nước, tổ chức quốc tế, các cấp Hội đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia về vệ sinh và nước sạch giúp hàng triệu gia đình phụ nữ cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thế nhưng, ngoài các địa bàn có tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh cao thì những đối tượng còn lại là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, khuyết tật, khó có điều kiện cải thiện công trình nước sạch và vệ sinh, rất cần có sự hỗ trợ, vào cuộc của các cấp, các ngành trong đó có Hội LHPN các cấp.

Tại hội thảo, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết, sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững; Hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến năm 2030, đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn; Đảm bảo tiếp cận công bằng các công trình và điều kiện vệ sinh phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật và đối tượng dễ bị tổn thương; chấm dứt đi vệ sinh ngoài trời, 100% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; Cùng với đó, cải thiện chất lượng nước, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm, chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước, làm suy giảm đa dạng sinh học, 100% nước thải nguy hại được xử lý; giảm một nửa tỷ lệ nước thải đô thị chưa qua xử lý, tăng cường sử dụng nước an toàn./.

Chung Thủy/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích