Tiếng Việt | English

15/11/2015 - 09:00

Con đường vàng giả vào Việt Nam

Thị trường vàng Việt Nam nhiều lần bị ảnh hưởng trước thông tin vàng giả xuất hiện... Điều này càng khiến người tiêu dùng thêm hoang mang và thiếu tin tưởng vào kênh đầu tư truyền thống này.

 

Thông tin về vàng giả lần đầu xuất hiện ở Việt Nam và gây ra hiệu ứng dư luận mạnh mẽ là vào thời điểm gần cuối năm 2010, khi giá vàng liên tiếp phi mã từ 23 triệu/lượng thẳng tiến đến 29 triệu/lượng.

Lúc đó, Công ty Vàng bạc SJC, một trong những thương hiệu hàng đầu của thị trường vàng tại Việt Nam, công bố thông tin gây chấn động “vàng SJC đã bị làm giả”. Vàng miếng SJC giả loại 1 lượng được làm tinh vi, bao bì nhựa giống đến mức người tiêu dùng khó có thể nhận ra. Chi tiết trên miếng vàng giả khá sắc sảo. Cũng ở thời điểm này thì thị trường vàng lại xuất hiện thêm một thông tin bất lợi đối với giới kinh doanh và người có nhu cầu mua vàng.

Theo đó, tại thị trường vàng Hồng Kông, vàng giả đã hoành hành nhiều đến mức hầu như tất cả các trung tâm kinh doanh vàng bạc đá quý đều trở thành nạn nhân của vàng giả. Vàng giả được làm tinh vi đến độ, những bậc đại gia về vàng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt. Phân tích một thỏi vàng giả, các chuyên gia Hồng Kông phát hiện thỏi vàng này gồm một lớp vàng nguyên chất phủ bên ngoài, phía bên trong lõi vàng được kết cấu bằng một hợp kim có những đặc tính như vàng thật.

Nguyên tắc để tạo nên thỏi vàng giả được thực hiện bằng cách trộn theo tỷ lệ 51% vàng thật với đồng, nikel, sắt và một số kim loại hiếm như osmium, indium, ruthenium và rhodium. Và không ai dám chắc rằng, những thỏi vàng giả ấy không được đưa sang tiêu thụ tại Việt Nam một cách ngẫu nhiên hoặc cố ý. Bởi đơn giản, có rất nhiều công ty kinh doanh vàng bạc đá quý tại Việt Nam là đối tác lớn của những trung tâm kinh doanh vàng tại Hồng Kông.

Liên tiếp những năm sau đó, thị trường vàng trong nước lại tiếp túc xuất hiện những thông tin về việc vàng giả “tái xuất”. Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây nhất vào ngày 10-11, CQĐT CATP Hạ Long, Quảng Ninh, đã phát hiện manh mối của một đường dây chuyên bán vàng giả, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sự việc bắt đầu từ việc có một đối tượng mang vàng nguyên liệu đến giao dịch tại cửa hàng vàng thuộc khu 6, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long. Miếng vàng nguyên liệu có trọng lượng khoảng 3 “cây”, được chào bán với giá 115 triệu đồng. Do thấy những dấu hiệu bất thường, chủ cửa hàng đã báo với cơ quan công an.

Khi được đưa về cơ quan công an, 2 đối tượng là Hoàng Hữu Thành và Nguyễn Xuân Luyện (đều trú tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã khai nhận kẻ cung cấp vàng cho các đối tượng này là A Xẻng, đối tượng người Trung Quốc mà Nguyễn Xuân Luyện quen khi làm việc tại một khu công nghiệp tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. A Xẻng gạ Luyện đi bán vàng do anh ta lấy từ Hồng Kông (Trung Quốc) về, và nếu bán được sẽ cho nhiều tiền. Ngày 15-10, Luyện và A Xẻng cùng đến Móng Cái, Quảng Ninh, gặp một người Trung Quốc có tên là A Cúa (khoảng 30 tuổi).

A Cúa đưa cho Luyện một miếng vàng nguyên liệu để Luyện mang bán ngay tại TP Móng Cái. Phi vụ này, Luyện được trả tiền công 240.000 đồng. Chiều 20-10, A Cúa đưa cho Luyện 3 miếng vàng và Luyện đem bán ở Hải Phòng được gần 460 triệu đồng và Luyện được trả tiền công 7 triệu đồng. 5 ngày sau, Luyện rủ Hoàng Hữu Thành lên Móng Cái gặp A Cúa nhận tiếp 2 miếng vàng đem bán ở TP. Hạ Long được tổng cộng 310 triệu đồng. Ngày 26-10, địa bàn tiêu thụ vàng giả được các đối tượng mở rộng về Hà Nội. Một miếng vàng nguyên liệu đã được tiêu thụ trót lọt với giá gần 200 triệu đồng.

Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Quảng Ninh, hầu hết vàng “bẩn”, vàng giả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam bằng đường xách tay. Những loại vàng này đều được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hông Kông sau đó được một số đối tượng người Trung Quốc liên kết với đối tượng người Việt Nam đưa qua biên giới vào sâu trong nội địa để tiêu thụ. Theo các chuyên gia, cách phổ biến nhất để sản xuất vàng giả là trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy vì tỷ trọng của vàng và vonfram gần giống nhau (19,6 và 18,3).

Khi nung với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh vonfram chưa đủ nhiệt độ nóng chảy tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram. Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Hỗn hợp vàng độn này có thể vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của máy đo. Máy thử vàng phát hiện được 17,18 nguyên tố kim loại khác nhau nhưng chưa cài đặt nhận biết vonfram.

Khi thử vàng độn, các chỉ số hiển thị trên máy không ghi nhận tạp chất này nên kết luận là vàng 999 hoặc 9999. Theo tính toán, mỗi lượng vàng độn, kẻ gian có thể lãi từ 6 đến 7 triệu đồng (1 lượng vàng 9999 có thể độn được khoảng 20% vonfram, tương đương khoảng 2 chỉ vàng thật. Trong khi đó, giá trị của vonfram rất thấp. Hiện nay, ở Việt Nam kim loại này có giá khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/kg.

Do vàng giả hiện được làm một cách tinh vi có thể qua mắt hầu hết các phần mềm được cài đặt sẵn trong những thiết bị kiểm định vàng, do vậy cơ quan chức năng cũng gặp phải không ít khó khăn để phát hiện. Bên cạnh đó, do lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu vàng, đặc biệt là với những loại vàng giả là rất lớn do giá vàng trong nước quá cao so với thế giới vì vậy các đối tượng luôn tìm ra nhiều cách tinh vi để đưa vàng giả từ Trung Quốc sang tiêu thụ tại Việt Nam. Để phòng tránh điều này, người dân đặc biệt là các chủ hiệu vàng cần hết sức cảnh giác trước những loại vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ./.

dantri.com.vn (Theo ANTĐ)

Chia sẻ bài viết