Tiếng Việt | English

07/12/2018 - 10:57

Công an huyện Đức Huệ nỗ lực đấu tranh, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội

Là địa bàn vùng sâu, biên giới, hoạt động tội phạm tại huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) từng lúc, từng nơi vẫn diễn biến phức tạp. Trong các vụ phạm pháp hình sự thì tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chiếm tỷ lệ khá cao.

Bắt nhiều vụ tiêu thụ tài sản trộm cắp

Năm 2018, trên địa bàn huyện Đức Huệ, phạm pháp hình sự xảy ra 53 vụ, trong đó giết người 3 vụ (4 đối tượng), trộm cắp 16 vụ (16 đối tượng), chống người thi hành công vụ 3 vụ (6 đối tượng), lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 1 vụ (1 đối tượng), cố ý gây thương tích 2 vụ (1 đối tượng), hủy hoại tài sản 1 vụ (1 đối tượng), giao cấu với trẻ em 1 vụ (1 đối tượng). Đặc biệt, số vụ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chiếm gần một nửa khi có đến 24 vụ.

Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội như cờ bạc, đá gà ăn tiền còn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

“Trong số 53 vụ phạm pháp hình sự, Công an huyện đã điều tra, khám phá 48 vụ, đạt gần 91%. Đồng thời, lực lượng công an triệt phá 19 điểm cờ bạc với 40 đối tượng; trong đó khởi tố 1 vụ, 1 bị can về tội đánh bạc, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 38 đối tượng, thu gần 91 triệu đồng” - Trung tá Trịnh Anh Kiệt - Phó Trưởng Công an huyện, cho biết.

Công an theo dõi tình hình an ninh, trật tự ở các tuyến đường qua hệ thống camera

Đối với hoạt động của tội phạm ma túy nổi lên là tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Trong năm, lực lượng công an bắt 5 vụ, 6 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố. Đồng thời, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa bàn huyện có chiều hướng tăng. Qua rà soát, lên danh sách quản lý, hiện có 155 trường hợp sử dụng ma túy.

Trong khi đó, hoạt động của tội phạm kinh tế chủ yếu là buôn lậu thuốc lá, nhiều đối tượng vận chuyển hàng với số lượng lớn đã bị khởi tố hình sự. Thế nhưng, nhờ sự quyết liệt đấu tranh của lực lượng chức năng, tình hình buôn lậu đã giảm rất nhiều, hoạt động không còn công khai, manh động, gây bức xúc như các năm trước.

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong nhân dân

Theo Trung tá Trịnh Anh Kiệt - Phó Trưởng Công an huyện, để phòng, chống các loại tội phạm đạt hiệu quả cao, ngoài tăng cường đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật thì công tác phòng ngừa tội phạm được xác định là rất quan trọng. Vì vậy, Công an huyện đẩy mạnh tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Theo đó, các vụ việc chống người thi hành công vụ thường liên quan đến các đối tượng buôn lậu để giải thoát cho đồng bọn. Còn cướp giật tài sản thì phương thức của các đối tượng là lợi dụng đêm tối, đường vắng giật giỏ xách của người đi đường. Các đối tượng trộm cắp thì lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người dân, lợi dụng đêm tối, không có người ở nhà để đột nhập trộm cắp xe môtô, tiền, vàng.

Riêng đối với tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (chủ yếu là xe môtô) xảy ra nhiều do một số đối tượng người ở địa phương móc nối với những đối tượng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,... để vận chuyển qua địa bàn đưa sang Campuchia tiêu thụ.

Trong khi đó, tội phạm giết người xảy ra chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân; trong đó, hầu hết do tranh chấp rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn như vụ việc vào chiều ngày 19/3/2018, chỉ vì con bò của anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1984), ngụ ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, qua ruộng của một người dân xã Mỹ Thạnh Tây ăn rơm. Từ chuyện này, anh Phúc và con trai Nguyễn Nhật Hào (16 tuổi) xảy ra cự cãi dẫn đến đánh nhau với Nguyễn Văn Trung (ngụ xã Mỹ Thạnh Tây). Hậu quả, em Hào bị Trung chém bằng liềm cắt cỏ trúng vào đầu, lưng, gục tại chỗ. Nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM nhưng tử vong sau đó.

“Để ngăn ngừa, hạn chế tội phạm, cần phát huy sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Theo đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đoàn thể luôn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng. Kịp thời nhân rộng những mô hình hay về phòng, chống tội phạm; đồng thời biểu dương, khen thưởng những điển hình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm” - Trung tá Trịnh Anh Kiệt cho biết.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa, hạn chế xảy ra những sự việc đáng tiếc như gây thương tích, chết người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ thì các đoàn thể, tổ chức hội ở cơ sở cần thường xuyên bám sát thực tiễn đời sống, kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn nội bộ gia đình, trong cộng đồng, làng xóm với nhau để có hướng giải quyết, hòa giải./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết