Muỗi Aedes Aegypti. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 19/8, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phát đi thông điệp cảnh báo người dân, nhất là bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần ngủ màn để phòng bệnh cho người khác, bởi muỗi Aedes còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác.
Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây nên, bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết, bệnh có thể tiến triển nặng gây tử vong.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sốt xuất huyết hiện nay được ghi nhận ở cả người lớn và trẻ em, ở cả thành thị và nông thôn, lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes và vẫn thường gọi là muỗi vằn.
Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết gồm có Aedes aegypti và Aedes albopictus trong đó Ae. aegypti là véctơ chủ yếu.
Muỗi Ae. aegypti sống trong nhà gần người, thường trú đậu nơi có ánh sáng yếu, những nơi đậu nghỉ ưa thích là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, ít khi đậu trên tường. Muỗi Ae. aegypti trưởng thành có khả năng bay xung quanh khoảng 50 mét, nhưng cũng có thể bay xa tối đa 200 - 300 mét.
Muỗi cái Ae.aegypti trưởng thành tiến hành hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sinh thực, muỗi có thể hút máu nhiều lần. Thời gian từ khi hút máu tới khi đẻ trứng thay đổi từ 2-5 ngày. Muỗi thường hoạt động hút máu vào ban ngày. Có 2 thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (lúc mặt trời sắp lặn).
Thời gian hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên chúng có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm (nhưng ở mức độ rất thấp).
Sau khi hút máu người có chứa virus dengue, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi trở thành nhiễm virus và có thể truyền virus dengue cho những người khác khi muỗi đốt.
Mặt khác, muỗi Aedes còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Chính sự hút máu nhiều lần của muỗi có thể giải thích tính bùng nổ tự nhiên của các vụ dịch với việc tìm thấy ít các số lượng muỗi cái trong ổ dịch.
Khả năng truyền virus sang người lành được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời kỳ nhiễm virus huyết. Nhiễm virus huyết có thể có 6 -18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 -7 ngày.
Hà Nội ra quân vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi khống chế dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Nguồn bệnh sốt xuất huyết là người mang virus dengue, đặc biệt là những người mắc bệnh ở thể nhẹ hoặc người nhiễm virus mà không phát bệnh đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan dịch bệnh, bởi vì những người này vẫn đi lại được, họ có thể di chuyển và mang virus từ vùng này sang vùng khác.
Với đặc tính hút máu và làm lan truyền virus dengue trong cộng đồng để gây bệnh cho con người của muỗi như vậy, không thể chỉ có người lành phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân mà người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà cũng cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay… để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh cho người khác.
Virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp là DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các týp virus khác nhau, những lần mắc sau bệnh thường nặng hơn do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo.
Tại Việt Nam, có lưu hành của cả 4 týp virus. Khi có thay đổi sự lưu hành của týp virus dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu cộng đồng chưa có miễn dịch với týp virus này./.
Theo TTXVN